Tìm cách chặn “loạn giá” thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những vụ việc nâng khống giá trang thiết bị y tế (TTBYT) trong thời gian gần đây không chỉ bộc lộ kẽ hở trong quản lý nhà nước, mà còn cho thấy sự lúng túng của không ít cơ sở y tế công lập, bên mời thầu trong việc xây dựng giá kế hoạch, dự toán giá gói thầu. Các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn này đang bước đầu được triển khai.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế là do chưa có đầy đủ thông tin. Ảnh: Lê Tiên
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế là do chưa có đầy đủ thông tin. Ảnh: Lê Tiên

Theo phản ánh của một số sở y tế trên cả nước, hiện nay, các bên mời thầu chủ yếu dựa vào báo giá của các nhà cung cấp để xây dựng giá gói thầu. Tuy nhiên, báo giá này không có giá trị pháp lý, đó là chưa kể giá mỗi nơi một khác, mỗi thời điểm một khác. Còn khi tham khảo giá trúng thầu, dải giá rất rộng nên không biết chọn giá nào cho phù hợp. Do đó, bên mời thầu gặp không ít khó khăn khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT), xác định giá gói thầu.

Việc cơ quan điều tra khởi tố một số vụ án gần đây như CDC Hà Nội mua sắm máy thở, hay Công ty CP Công nghệ y tế BMS “thổi giá” TTBYT tại Bệnh viện Bạch Mai đã gây chấn động, tác động không nhỏ tới các cơ sở y tế, bên mời thầu. Thậm chí, một số kế hoạch mua sắm TTBYT bị dừng lại vì sợ làm sai. Trong khi đó, thời hạn giải ngân của năm 2020 chỉ còn hơn 3 tháng, nếu các đơn vị không triển khai nhanh sẽ ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh từ nay đến cuối năm.

Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xây dựng giá gói thầu mua sắm TTBYT là do chưa có đầy đủ thông tin.

Để khắc phục hạn chế này, theo ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế, Thông tư số 14/2020/TT-BYT có hiệu lực từ 1/9/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu tại cơ sở y tế công lập đã nêu rõ, việc lập dự toán mua sắm trước tiên phải căn cứ vào nguồn kinh phí được giao, định mức được phê duyệt, thực tế mua, sử dụng của năm trước liền kề và nhu cầu sử dụng trong năm lập kế hoạch.

Thứ hai, việc xây dựng giá gói thầu phải căn cứ trên giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch LCNT và Bộ Y tế. Hiện tại, Bộ Y tế đã bước đầu công khai kết quả LCNT cung ứng TTBYT trong năm 2019 - 2020. Để có đầy đủ thông tin, các đơn vị cần tuân thủ nghiêm việc công khai, minh bạch kết quả LCNT và quy định về việc tham khảo giá trúng thầu được công bố khi lập dự toán giá gói thầu tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT để tăng tính cạnh tranh. Giá trúng thầu phải được công khai kèm theo cấu hình, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản, yêu cầu chuyên môn để các đơn vị mua sắm có thể chọn ra giá trung bình phù hợp.

Cùng với giá trúng thầu, bên mời thầu có thể tham khảo báo giá của các nhà cung cấp trên Cổng thông tin công khai giá TTBYT vừa được Bộ Y tế khai trương. Việc công khai báo giá này thể hiện cam kết từ phía nhà cung cấp, tránh tình trạng báo giá theo kiểu “đo ni đóng giày”, loạn giá như thời gian qua.

Không chỉ dựa vào báo giá, ông Hiếu cho biết, theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, còn có 4 hình thức khác để xác định giá gói thầu. Đó là, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá; giá thị trường tại thời điểm mua sắm do nhà cung cấp thông tin chính thống; giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Riêng đối với báo giá, không nhất thiết chỉ chọn 3 báo giá, mà các đơn vị có thể lấy thêm nhiều báo giá khác để tham khảo. Trong trường hợp không chọn giá thấp nhất, mà chọn giá cao nhất thì bên mời thầu phải có giải trình rõ ràng. Các bên mời thầu có thể lấy 3 báo giá trên cùng một địa bàn, nếu không đủ thì lấy thêm ở địa bàn khác, các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội...

Đáng chú ý, một trong những “chốt chặn” để hạn chế tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều bên, đẩy giá lên cao là quy định về ủy quyền trong cung cấp đối với TTBYT tham dự thầu được bổ sung tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT. Theo đó, TTBYT tham dự thầu phải được cung cấp bởi tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu lưu hành TTBYT; hoặc tổ chức, cá nhân đứng tên trên giấy phép nhập khẩu TTBYT; hoặc chủ sở hữu TTBYT ủy quyền. Trường hợp ủy quyền, tối đa được 2 lần ủy quyền.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế, đấu thầu TTBYT khác với thuốc. Đấu thầu thuốc có một quá trình thực hiện hơn 10 năm (2010 - 2020) nên có sự ổn định hơn, còn đấu thầu TTBYT vẫn còn khá mới mẻ, phức tạp. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các bên và tổng kết thực tiễn triển khai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét để bổ sung, chỉnh sửa trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư