Giá nguyên vật liệu xây dựng vẫn đang ở mức cao và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Vào cao điểm giá thép xây dựng tăng cao hồi năm ngoái, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu trong nước trước nguy cơ “vỡ trận”, phá sản.
Sau đó, 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xem xét, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020. Nguyên nhân là nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến và liên tục leo thang lên mặt bằng giá mới ngay sau khi các dự án thành phần được khởi công. Theo tính toán, biến động giá thị trường một số vật tư, vật liệu chính đã lên tới 20 - 30% so với giá trị hợp đồng trừ dự phòng…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, liên quan đến đơn giá, mặc dù Bộ Xây dựng đã có văn bản nhắc nhở các địa phương chỉ đạo việc cập nhật đơn giá kịp thời, chính xác, nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế gần như không có chuyển biến do thiếu những biện pháp quyết liệt.
Đồng tình với đánh giá của VACC, ông Nguyễn Quốc Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Khánh cho hay, những khó khăn của nhà thầu do giá vật liệu biến động tăng vẫn chưa được giải quyết kịp thời. Theo ông Tùng, vừa qua, Sở Xây dựng Thanh Hóa có văn bản đề nghị các bên liên quan rà soát, tổng hợp số lượng các gói thầu thi công sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP đã ký hợp đồng hoặc đã phê duyệt kết quả trúng thầu từ tháng 1/2021 đến nay theo hình thức hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định. “Công ty đã kê khai đầy đủ theo hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay, Công ty vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi hay biện pháp hỗ trợ nào”, ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, những gói thầu đang triển khai đấu thầu đã được cập nhật theo định mức, đơn giá mới. Tuy nhiên, nhiều định mức, đơn giá mới vẫn chưa sát với thực tế thị trường. Đơn cử, đơn giá nhân công theo thông báo giá hoặc dự toán là 270.000 đồng/ngày/lao động nhưng trên thực tế là 370.000 - 400.000 đồng. Chỉ một điểm đó thôi cũng khiến nhà thầu gặp vô vàn khó khăn do đội giá thi công.
Một nhà thầu ở Kon Tom chia sẻ, không ít doanh nghiệp xây lắp ở khu vực Tây Nguyên vẫn đang chật vật tìm biện pháp giải quyết bài toán khó do giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, đặc biệt ở những gói thầu áp dụng hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định. “Bây giờ tội cho nhà thầu vì đã đâm lao thì phải theo lao. Nếu không nhận công trình thì không thể duy trì việc làm, thu nhập cho công nhân”, nhà thầu tâm tư.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Đoan, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng Nhà Phát Lâm Đồng cũng cho biết, trước bối cảnh giá nguyên vật liệu cao và dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới, hoạt động của Công ty nói riêng cũng như các nhà thầu xây dựng nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng với khó khăn do giá vật liệu xây dựng tăng, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết thêm, nợ đọng xây dựng đang là vấn đề nan giải với các nhà thầu xây dựng. Thậm chí, còn có những trường hợp thực hiện các công trình mà chủ đầu tư dính vòng lao lý, mất khả năng thanh toán thì nhà thầu xây lắp cũng bị “vạ lây”.
Các dự báo kinh tế đều cho thấy, giá cả vật liệu xây dựng tiếp tục biến động khó lường. Nhiều khả năng, giá cả đầu vào vẫn tiếp tục tăng khiến giá vật liệu xây dựng cũng tăng.
Với thực trạng trên, Chủ tịch VACC tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc nhằm có biện pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng với việc nhanh chóng cho triển khai bù giá, điều chỉnh trượt giá đối với các loại hợp đồng xây dựng phù hợp với tình hình giá cả thực tế thị trường.