Vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư được nhiều địa phương quan tâm đề xuất. Ảnh: Lê Tiên |
Sự thay đổi này cùng với nhiều đổi mới khác được thực hiện trong thời gian qua cho thấy, vấn đề liên vùng, kết nối vùng ngày càng được chú trọng.
Cách đây hơn 2 năm, ngày 28/3/2017, Bộ KH&ĐT đã khởi xướng cuộc họp giữa 3 bộ (KH&ĐT, Giao thông vận tải, Xây dựng) và 6 địa phương cùng bàn về chủ trương đầu tư tuyến đường ven biển đi qua 6 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Lãnh đạo các địa phương đánh giá cuộc họp là cách làm mới, có ý nghĩa thiết thực để cùng thống nhất hành động, hướng tuyến, giao cắt, đảm bảo tính kết nối giữa các đoạn tuyến qua các địa phương, để không lặp lại cảnh đầu tư xong thiếu đường kết nối, không đồng bộ, đồng mức. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi đó nhận định, cuộc họp rất có ý nghĩa khi các bộ, ngành, địa phương thống nhất, đồng tâm hợp lực cùng nhau chia sẻ sự phát triển của toàn vùng, cùng làm một tuyến đường kết nối quan trọng giữa các tỉnh, với cái nhìn toàn cục hơn, dài hơi hơn, chứ không phải tỉnh nào lo tỉnh đó.
Cũng từ năm 2017, Bộ KH&ĐT đã thay đổi cách thức họp xây dựng kế hoạch, lần đầu tiên tổ chức thảo luận, xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công cho năm sau theo vùng, thay cho cách làm với từng địa phương như trước đây.
Nói về cách làm mới này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT chia sẻ, việc đánh giá hàng năm và triển khai kế hoạch với 63 tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các địa phương đóng góp nhiều ý kiến hơn. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ giao chi tiết từng địa phương, thì việc trao đổi từng dự án cụ thể không còn nhiều ý nghĩa. Trong bối cảnh hiện tại, những vấn đề liên vùng mới quan trọng, hình thức này giúp có cơ hội nhìn nhận từng địa phương trong bối cảnh chung của vùng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có cơ hội quan sát, học hỏi địa phương khác trong vùng, từ đó đề ra mục tiêu hiệu quả, xác thực hơn.
Và năm nay, để xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2020, Bộ KH&ĐT tiếp tục tổ chức 4 hội nghị tại các vùng. Hội nghị vùng miền núi phía Bắc diễn ra ngày 8/8/2019 tại Tuyên Quang là hội nghị đầu tiên được tổ chức, thảo luận về các vấn đề phát triển KTXH, đầu tư của 14 địa phương trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhận định, hội nghị này là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là dịp để các địa phương cùng trao đổi những kinh nghiệm thực tế, nhất là việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công hàng năm, tăng cường mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển KTXH của cả vùng. Lãnh đạo các địa phương đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó nổi bật là vấn đề đầu tư cho hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư.
3 hội nghị tiếp theo sẽ lần lượt được tổ chức trong tháng 8 này, gồm: Hội nghị vùng miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại Thừa Thiên Huế, Hội nghị vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, và Hội nghị vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức tại TP. Hải Phòng.
Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT
8 vấn đề trọng tâm cần lưu ý đối với vùng miền núi phía Bắc:
Thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm, tình hình KTXH của các địa phương có nhiều điểm sáng, tập trung ở một số tỉnh thông qua chỉ số GRDP.
Thứ hai, về kết quả thực hiện đầu tư công, kết quả giải ngân đạt 39,9% là còn khiêm tốn, tuy nhiên lại cao hơn mức trung bình cả nước (38%).
Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, các địa phương trong vùng đã có sự cải thiện đáng ghi nhận so với chính từng địa phương. Lào Cai là tỉnh có PCI tốt nhất vùng, xếp 12/63 tỉnh, thành.
Thứ tư, thu hút đầu tư của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.
Thứ năm, dự kiến kế hoạch năm 2020 sẽ được thực hiện đúng theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về dự toán ngân sách nhà nước.
Thứ sáu, các vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kinh tế biên mậu, kinh tế rừng cần có đột phá hơn.
Thứ bảy, nhu cầu vốn của vùng trong kế hoạch năm 2020 tăng cao do là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.
Thứ tám, kiến nghị của 10 địa phương đầu tiên qua thảo luận tập trung vào cơ chế chính sách, Luật Quy hoạch, đầu tư công, bố trí các chương trình mục tiêu, vốn ODA, vốn hỗ trợ chính sách, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cần được xem xét, các mô hình hay cần được nhân rộng.