Mỗi thay đổi về chính sách thuế sẽ tác động đến hàng chục triệu người dân, hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Hà |
Giữa những phân vân được - mất, báo chí là kênh đón nhận và phản hồi các ý kiến khác nhau. Để sau cùng, mỗi chính sách thuế được thực thi không chỉ vì lợi ích của ngân sách, điều tiết hành vi tiêu dùng mà còn tạo được niềm tin bền lâu.
Những dự định tạm gác lại
Cách đây hơn 10 năm, Luật Thuế tài sản là một khái niệm còn rất mới mẻ, được ấp ủ đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2009. Khi đó, các ý kiến về sắc thuế này chủ yếu dựa trên những nghiên cứu về thực tiễn áp dụng tại các quốc gia trên thế giới.
Nhiều bài viết đã được đăng tải trên báo chí để phân tích mặt được của việc áp dụng sắc thuế này theo hướng điều tiết thu nhập, giảm đầu cơ đất đai. Đối tượng hướng đến của các quan điểm này là những người giàu và có nhiều tài sản. Do đó, quan điểm xây dựng Luật Thuế tài sản phần nào nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế và bất động sản. Song ở thời điểm đó, nội dung này chỉ dừng ở mức ý tưởng.
Năm 2018, khi bản Dự thảo Luật Thuế tài sản chính thức được công khai và lấy ý kiến rộng rãi với mức tác động ước tính đến hàng chục triệu người dân, bao gồm cả người có thu nhập ở mức trung bình, đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Hàng loạt tờ báo đăng tải nhiều bài viết liên tục trong nhiều tháng, với đa dạng các ý kiến đồng tình và phản đối. Nội dung sắc thuế này được tranh luận với nhiều góc độ khác nhau, đáng chú ý là tính công khai minh bạch và sự công bằng của luật thuế này.
Với phạm vi, mức độ tác động lớn, trong khi cơ sở dữ liệu để tính thuế chưa thật sự đầy đủ, sự vào cuộc của báo chí đã giúp người dân nói lên được tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của mình. Kết quả là, cơ quan chức năng phản hồi rằng đây chưa phải là dự thảo cuối cùng mà chỉ mang tính chất lấy ý kiến tham khảo.
Đến nay, thuế tài sản vẫn còn xôn xao đâu đó trong dư luận, sắc thuế này sẽ lại được bàn trở lại trong một thời điểm tương lai, nhưng ít nhất, cả cơ quan xây dựng chính sách, doanh nghiệp và người dân đã hiểu biết hơn về những điều kiện cần và đủ để áp dụng chính sách này trong thực tiễn Việt Nam.
Cũng gây nhiều phản ứng trái chiều trong thời gian gần đây, bản dự thảo đầu tiên của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gây chú ý với yêu cầu ngân hàng phải cung cấp số hiệu tài khoản, thậm chí cả số dư tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.
Nội dung này rõ ràng là tạo điều kiện cho cơ quan thuế trong việc chặn được dòng tiền của người nộp thuế khi họ chây ì thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đồng tình với yêu cầu này, phía ngân hàng cũng không thể vi phạm quyền bí mật của khách hàng.
Khi tiếng nói từ hai phía chưa thống nhất, nhiều bài viết đã được đăng để phản ánh các quan điểm trái chiều. Từ đó, báo chí trở thành diễn đàn cho những ý kiến phản biện từ cả cơ quan thuế, ngân hàng, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp.
Cơ quan thuế đã phần nào lắng nghe sự phản hồi này, tại bản dự thảo mới nhất gửi đến Quốc hội khoá 14, Kỳ họp thứ 7, ngân hàng chỉ cung cấp số hiệu tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế thay vì phải cung cấp cả số dư như đề xuất trước đó.
Đây chỉ là hai trong số nhiều sắc thuế ghi nhận có sự thay đổi của cơ quan thuế sau khi đón nhận phản hồi từ các kênh khác nhau, trong đó có cả kênh truyền thông từ báo chí.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Đây là 2 sắc thuế được ban hành sau thời gian khá dài với nhiều tranh cãi, cơ quan thuế từng phải “cất đi”, sau đó lại nghiên cứu, sửa đổi và tiếp tục trình Quốc hội.
Luật Thuế thu nhập cá nhân đầu tiên ban hành năm 2007 và Luật Thuế giá trị gia tăng đầu tiên ban hành năm 1997 đã được thực thi sau nhiều “giông bão” trên các kênh báo chí trong nhiều năm.
Một quan chức trong ngành thuế nhớ lại: “Có lúc chúng tôi nghĩ là không thể ban hành và thực thi được Luật Thuế giá trị gia tăng, quá khó thuyết phục mọi người ở thời điểm đó. Nhưng những người làm luật đã lắng nghe, nghiên cứu và sửa đổi để phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế. Từ đó, đạo luật này đã được thực thi, đưa cơ sở về thuế của Việt Nam tiến thêm một bước đến gần hơn với các nước phát triển khác”.
Hơn 20 năm thực thi, sau nhiều lần sửa đổi, thuế giá trị gia tăng đã trở thành một phần trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những bước sửa đổi tiếp theo có thể sẽ được bàn đến theo hướng phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Với thuế thu nhập cá nhân, sau nhiều lần tiếp thu và chỉnh sửa, mức giảm trừ gia cảnh với nội dung này đã được tăng lên theo mức thu nhập và mức sống của người dân. Số thu thuế thu nhập cá nhân cũng tăng dần qua các năm và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Để hai luật thuế này đi vào cuộc sống, báo chí đã đưa tiếng nói và các quan điểm trái chiều đến gần nhau hơn. Tuy nhiên, giữ được tính khách quan trong phản ánh và phản biện chính sách thuế là điều không dễ dàng bởi mỗi sắc thuế là một chuyên ngành hẹp, đòi hỏi hiểu biết nhất định của người viết khi đón nhận ý kiến chuyên môn từ cả hai phía ủng hộ và phản đối.
Trong vị thế một người dân, cả người xây dựng chính sách thuế, doanh nhân và các phóng viên đều có xu hướng không muốn phải nộp thêm thuế. Tuy nhiên, ý nghĩa của thuế vẫn vẹn nguyên với vai trò củng cố nền tảng tài khóa và điều tiết hành vi kinh tế. Do đó, báo chí vẫn luôn có nhiệm vụ phản ánh khách quan, giúp cơ quan xây dựng chính sách xem xét thấu đáo và thận trọng khi đề xuất chính sách, giúp các đại biểu Quốc hội đón nhận thông tin đa chiều trước khi biểu quyết thông qua một sắc thuế mới.