Chính sách tài khóa và tiền tệ: Một năm "ăn ý"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay từ đầu năm và xuyên suốt trong các chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) được coi là một nhiệm vụ quan trọng đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 2021, đặc biệt là trong giai đoạn áp dụng các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế hồi phục.
Duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế là cần thiết nhưng không chủ quan với áp lực lạm phát. Ảnh: Tiên Giang
Duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế là cần thiết nhưng không chủ quan với áp lực lạm phát. Ảnh: Tiên Giang

Đầy khó khăn và thách thức

Bộ Tài chính cho biết, trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021), cơ quan này đã đề xuất, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 giải pháp bổ sung về miễn, giảm thuế.

Đó là giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tính chung cả năm, một loạt CSTK đã được triển khai để hỗ trợ cho DN và người dân cũng như phòng, chống dịch bệnh, với tổng mức khoảng 200.000 tỷ đồng.

Về CSTT, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm, CSTT được điều hành phù hợp với xu hướng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, mặt khác có những đặc điểm riêng phù hợp với đặc thù và tính chất cấp bách của tình hình trong nước.

Trước hết, bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ các TCTD đẩy mạnh tín dụng.

Bên cạnh đó, ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của TCTD giảm. Sau 3 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất thấp này, kết hợp với việc duy trì thanh khoản dồi dào trên thị trường tiền tệ. Kết quả là, lãi suất huy động và cho vay bằng VND bình quân của các TCTD tiếp tục giảm khoảng 0,46%/năm và 0,72%/năm so với cuối năm 2020 sau khi đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020.

Đồng thời, bảo đảm cung ứng vốn tín dụng đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng đối với các TCTD theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng. Mặt khác, cơ quan điều hành chú trọng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đánh giá về sự phối hợp tài khóa và tiền tệ trong năm 2021, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn CSTT quốc gia cho rằng, những chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ được thực hiện với liều lượng và thời điểm hợp lý đã đem lại hiệu quả tích cực, kịp thời ổn định đời sống và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giữa CSTK và CSTT và sự đồng lòng, tinh thần chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng; vừa đảm bảo sức khỏe người dân vừa tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Cách thức điều hành đó vừa đảm bảo ổn định vĩ mô và ổn định tài chính quốc gia, vừa tạo dư địa mở rộng chính sách trong trung hạn. Theo đó, mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) với mức chi phí vốn rẻ, thời hạn dài. Nhờ mặt bằng lãi suất thấp nhất trong vòng 20 năm (bình quân ở mức 2,86 - 3,5%), kỳ hạn phát hành bình quân TPCP tăng lên 13,4 năm, gấp 5,5 lần năm 2011, việc tăng vay nợ trong nước với kỳ hạn dài, lãi suất thấp góp phần giảm phụ thuộc vào vốn nước ngoài, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh đó, dù thâm hụt ngân sách và nợ công tăng song vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức thấp hơn hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm vừa là kết quả của việc kiểm soát cung tiền, vừa tạo dư địa mở rộng CSTK và CSTT trong trung hạn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ tài khóa còn một số hạn chế. Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng. Trong khi tổng các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn và việc thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt còn thấp; DN ở một số lĩnh vực như vận tải, du lịch, giáo dục - đào tạo, bán lẻ và DN nhỏ và vừa (NVV) còn rất khó khăn.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự “ăn ý” giữa CSTK và CSTT là một trong những điểm nổi bật trong công tác điều hành chính sách vĩ mô năm qua. Với mặt bằng lãi suất tương đối thấp, nguồn tiền trong nền kinh tế khá dồi dào nên việc phát hành TPCP gặp thuận lợi. Trong lúc NSNN “chật vật” do dịch Covid-19, đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư cho phát triển kinh tế, hỗ trợ khắc phục hậu quả của dịch bệnh và kịp thời trả nợ lãi và gốc của các khoản nợ công đến hạn.

“Cả CSTK và CSTT đều nỗ lực hỗ trợ cho nền kinh tế trong khả năng cho phép. Đây là kết quả của sự quyết liệt nhưng thận trọng, lắng nghe và rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tăng cung tiền nhưng kiểm soát rủi ro

Nền kinh tế bước vào năm 2022 với kỳ vọng về sức hồi phục mạnh mẽ song vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy, sự phối hợp hài hòa giữa CSTK và CSTT sẽ gia cố sức bền cho nội lực và tạo đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư địa mở rộng CSTK có phần thuận lợi hơn CSTT, trên cơ sở thu ngân sách năm 2021 vượt dự toán, thâm hụt NSNN và nợ công được kiểm soát tốt, quy mô hỗ trợ tài khóa năm 2021 còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, với CSTT, dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng không nhiều do lãi suất ở mức thấp trong vòng 20 năm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Do đó, theo ông Lực, gói CSTK và CSTT hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế cần bảo đảm phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hoà với các chính sách khác, đảm bảo hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu.

Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ có thể phải gia hạn trong năm nay. Đồng thời sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở và tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp để hỗ trợ các TCTD duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5 - 1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, CSTK là nền tảng để cứu các DN yếu kém, CSTT là quan trọng cho DN phục hồi. “Các CSTK cần đều đặn, tránh giật cục. Vì tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi. Đồng thời không nên giải ngân quá ồ ạt có thể gây áp lực lên lạm phát và bong bóng tài sản tài chính và bất động sản”, ông Phong nhấn mạnh.

Từ phía cơ quan điều hành CSTK, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm nay, Bộ Tài chính sẽ triển khai nhiều giải pháp về điều hành CSTK linh hoạt, ổn định, chủ động kết hợp với CSTT, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống Covid-19 . “Đáng chú ý, năm ngoái chúng ta thiết kế gói miễn giảm thuế cao nhất là 21.600 tỷ đồng. Năm nay, theo ý kiến của Quốc hội, gói hỗ trợ miễn, giảm thuế dự kiến được nâng lên là hơn 60.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Phớc nói.

Về CSTT, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan điều hành sẽ phối hợp chính sách trong năm 2022 để vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

“Việc duy trì các giải pháp chính sách để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế là cần thiết nhưng không thể chủ quan với áp lực lạm phát, đòi hỏi công tác phối hợp chính sách phải thật chặt chẽ, nhịp nhàng về liều lượng, cách thức triển khai, nhất là CSTT và CSTK. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN và người dân vượt qua khó khăn; điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch”, bà Hồng nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư