“Chìa khóa” mở cơ hội thị trường cho khu vực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thúc đẩy kinh doanh hướng tới tăng trưởng bền vững đang trở thành lợi thế cạnh tranh, “chìa khóa” để mở cơ hội thị trường cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, đây lại là khâu yếu của DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân.
Các nguyên tắc sản xuất kinh doanh có trách nhiệm đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Các nguyên tắc sản xuất kinh doanh có trách nhiệm đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Thách thức đổi mới để bắt kịp xu thế thời đại

Phát biểu tại Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững diễn ra ngày 22/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Không ít DN tư nhân đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có sản phẩm, thương hiệu vươn tầm quốc tế. “Mặc dù vậy, khu vực tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận.

Trong thời gian tới, DN Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức mới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực tăng năng suất lao động và chuyển đổi số trong bối cảnh mới, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của DN và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các đối tác, thị trường ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Điều này đặt ra những thách thức đòi hỏi DN Việt Nam phải đổi mới để bắt kịp các xu thế mới, nếu không sẽ giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Mark Birnbaun, Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững, nhưng DN vẫn có khó khăn nhất định do thiếu kiến thức, tài chính, nguồn nhân lực và kỹ năng công nghệ.

Cơ hội thị trường rộng lớn

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Guy Williamas, chuyên gia về phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Deloitte cho biết, cách đây khoảng 10 năm, các nguyên tắc về thực hành kinh doanh có trách nhiệm được biết đến là tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), bắt đầu được đưa vào kinh doanh và đang trở thành xu hướng trên toàn cầu.

Dẫn kết quả khảo sát của một số tổ chức phát triển bền vững, ông Mark Birnbaun cho biết, có 81% người tiêu dùng toàn cầu cho rằng, việc triển khai chương trình bảo vệ môi trường của các DN là rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng; 79% nhà đầu tư toàn cầu đồng ý rằng, phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một DN… “Như vậy, thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững là nhân tố quan trọng, là xu hướng phát triển tạo niềm tin trên thị trường hiện nay”, ông Mark Birnbaun nhận định.

Theo ông Mark Birnbaun, thúc đẩy kinh doanh theo hướng bền vững giúp DN có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng lớn hơn; mở rộng thị trường, đặc biệt là vào các thị trường quốc tế nơi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, DN giảm thiểu chi phí và rủi ro nhờ triển khai các công nghệ mới và nâng cao hiệu quả vận hành, tuân thủ các quy định của chính phủ về phát triển bền vững và sản xuất có trách nhiệm…, từ đó nâng cao được danh tiếng và hình ảnh của DN.

Từ góc độ DN, bà Đinh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng SECOIN cho hay, việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh doanh bền vững cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo trong kinh doanh đã giúp SECOIN tự tin đưa sản phẩm vật liệu xây dựng không nung vươn ra thị trường thế giới. Hiện sản phẩm vật liệu xây dựng của Công ty đã xuất khẩu sang 60 nước trên thế giới.

“Trợ lực” cho khu vực tư nhân Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn, một sáng kiến liên quan chủ đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố, với mục tiêu cải thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy ESG trong khu vực tư nhân, giúp DN tư nhân Việt Nam đổi mới, tăng sức cạnh tranh. Đó là Sáng kiến thúc đẩy thực hành khung đánh giá môi trường, xã hội, quản trị trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững giai đoạn 2023 - 2025, được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) với tổng số vốn lên tới 36 triệu USD do USAID tài trợ.

Chuyên đề