Cần có bộ tiêu chí cụ thể, minh bạch về năng lực, kinh nghiệm, tình hình tài chính, uy tín đối với các nhà thầu tham gia thực hiện cao tốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Chia sẻ Báo Đấu thầu, đại diện một số nhà thầu đã và đang thi công các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho biết, việc Nhà nước thông qua cơ chế chỉ định thầu các tuyến cao tốc để đẩy nhanh tiến độ và sớm đạt mục tiêu về tổng chiều dài cao tốc cả nước sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho các nhà thầu. Tuy nhiên, cần có bộ tiêu chí cụ thể, minh bạch về năng lực, kinh nghiệm, tình hình tài chính, uy tín đối với các nhà thầu tham gia thực hiện cao tốc. Bên cạnh đó, nên đưa về một mặt bằng tiêu chí đánh giá, tránh tình trạng mỗi dự án, mỗi đoạn tuyến cao tốc có một tiêu chí khác nhau, áp dụng không thống nhất. Các nhà thầu đều mong muốn tiêu chí đưa ra càng cụ thể thì càng minh bạch, từ nhân sự, máy móc, năng lực tài chính, kinh nghiệm... đến uy tín của nhà thầu cần được đánh giá qua các đoạn tuyến cao tốc đã thực hiện.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Venture cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, có rất nhiều nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các tuyến đường cao tốc. Do đó, việc xét chọn nhà thầu chỉ định thầu cần phải khách quan, công tâm và có tiêu chí minh bạch.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, chỉ định thầu cao tốc là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc. Để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn nhà nước khi thực hiện chỉ định thầu, khâu dự toán phải chính xác, giảm thiểu các sai số trong quá trình thực hiện, tính đúng, tính đủ cho nhà thầu trong bối cảnh nguyên vật liệu giá có nhiều biến động nhưng không làm thất thoát ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi khâu lập dự toán, khâu thẩm định dự toán phải cẩn trọng và sát thực tế. Nếu dự toán thấp, quá trình thực hiện sẽ làm khó nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng. Nếu dự toán tăng cao thì nguy cơ thất thoát ngân sách là rất lớn và con số tiết kiệm 5% thông qua cơ chế chỉ định sẽ không còn ý nghĩa.
Mặt khác, để bảo đảm chất lượng và tiến độ của các công trình cao tốc, phải giám sát chặt chẽ chất lượng thiết kế, thực hiện gói thầu sau khi ký hợp đồng, tăng cường chế độ xử phạt nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư nếu không làm tròn trách nhiệm và không đảm bảo chất lượng công trình. Câu chuyện về bài học của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải là lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực mà là nhà thầu thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện hợp đồng. Sau khi trúng thầu, nhà thầu đã bán thầu cho các doanh nghiệp yếu kém thực hiện, tư vấn giám sát và chủ đầu tư lơ là, buông lỏng nên để lại rất nhiều hệ lụy.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu đề xuất các cơ quan chức năng cần tham mưu để tạo lập quỹ bình ổn giá vật liệu đầu vào cho các tuyến cao tốc vì hiện nay, giá vật liệu xây dựng như sắt, thép, đất, cát, đá, xi măng... đang biến động rất mạnh. Tổng mức đầu tư sơ bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là 119.666 tỷ đồng. Mới đây Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến 17.837 tỷ đồng) và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng mức đầu tư dự kiến 45.024 tỷ đồng)... Những con số cho thấy tổng mức đầu tư cho các tuyến cao tốc thời gian tới là rất lớn, việc lập quỹ bình ổn giá vật liệu đầu vào là cần thiết để các nhà thầu yên tâm hơn trong quá trình triển khai các gói thầu cao tốc.