Chênh lệch lãi suất của ngân hàng tăng trở lại

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hệ thống ngân hàng năm 2015 đã tăng nhẹ lên 2,74%, cao hơn tỷ lệ 2,70% của năm 2014.
Nguồn: UBGS
Nguồn: UBGS

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho rằng năm 2015, tín dụng tăng 18%. Tuy nhiên, nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ ở mức 19,3%, cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm là 13%-15%.

Trong đó tín dụng trung và dài hạn tăng 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (7%).

"Trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp tái cấu trúc mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng, cầu đối với nguồn vốn trung và dài hạn tăng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và đổi mới công nghệ“, UBGS nhận định.

UBGS cũng cho rằng chính sách lãi suất chênh lệch giữa đồng USD và VND đã phát huy tác dụng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cả năm giảm -12,9% so với cùng kỳ 2014.

UBGS cũng đánh giá năm 2015 thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, hiệu quả kinh doanh phục hồi nhẹ. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống ở mức 80,9%, mức an toàn cao về thanh khoản.

Thanh khoản đối với VND và ngoại tệ lần lượt ở mức 83,5% và 64,1%, ở giới hạn an toàn thanh khoản.

UBGS cho rằng hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 tuy còn thấp (do ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro) nhưng đã phục hồi nhẹ so với năm 2014.

Cùng với đó, tỷ lệ NIM của hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại. Cụ thể, năm 2015 tỷ lệ NIM đã tăng lên 2,74% so với mức 2,70% của năm 2014, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 2,80% của năm 2013. Hệ số ROE, ROA cũng tăng lần lượt lên 6,4%, 0,5% tính đến cuối năm 2015.

Nguồn: UBGS

Theo báo cáo tài chính quý IV/2015 của một số ngân hàng cho thấy tỷ lệ NIM của mỗi ngân hàng lại khác nhau. Ví như BIDV, tỷ lệ NIM đã giảm 0,21%, từ 3,09% năm 2014 xuống 2,87% năm 2015. Trong khi đó, Vietcombank lại tăng tỷ lệ NIM lên 2,63%, tăng thêm 0,16% so với năm 2014.

Năm 2015, tỷ lệ NIM của MB đã giảm khoảng 0,09%, xuống còn 3,97%. Tỷ lệ NIM của MB giảm chủ yếu là do tỷ trọng trái phiếu trong tài sản sinh lãi giảm. Không như thông thường, trái phiếu lại là loài tài sản có lợi suất cao nhất của MB, cao hơn cả lãi suất cho vay khách hàng nên việc việc trái phiếu lần lượt đáo hạn kể từ Quý III/2015 cho đến cuối tháng 6/2016 đang ảnh hưởng tới tỷ lệ NIM của MB.

MB có lẽ sẽ phải cải thiện hệ số LDR trong những năm tới nhằm giảm tác động tiêu cực đối với tỷ lệ NIM từ việc trái phiếu lợi suất cao đáo hạn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư