Chế tài chưa đủ sức răn đe, môi giới bất động sản “bát nháo”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản nhưng chỉ gần 10% có chứng chỉ hành nghề.
Hoạt động môi giới bất động sản còn nhiều tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến tính lành mạnh của thị trường và quyền lợi của khách hàng. Ảnh: Song Lê
Hoạt động môi giới bất động sản còn nhiều tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến tính lành mạnh của thị trường và quyền lợi của khách hàng. Ảnh: Song Lê

Tình trạng này dễ dẫn đến những vi phạm, rủi ro trong giao dịch bất động sản. Do đó, kiến nghị siết chặt hoạt động môi giới bất động sản được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ.

“Lỗ hổng” quản lý

Sau khi được pháp luật công nhận năm 2006, môi giới bất động sản trở thành loại hình dịch vụ chính thức, là nhân tố chính tạo thanh khoản cho thị trường thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này còn nhiều tồn tại, bất cập.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng 300.000 người tham gia lĩnh vực môi giới bất động sản nhưng chỉ có khoảng 27.000 người có chứng chỉ hành nghề, tương đương hơn 90% số người môi giới hoạt động mà không có chứng chỉ.

TS. Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị dẫn chứng khảo sát của Bộ Xây dựng: Có hơn 80% số nhân viên môi giới được khảo sát trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên. “Một số người hành nghề môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý. Một số lượng không nhỏ các sản phẩm bất động sản được môi giới chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin về vị trí, giá cả hoặc pháp lý bất động sản, quy hoạch”, ông Hà nhấn mạnh.

Lý giải sự “bát nháo” của hoạt động môi giới bất động sản thời gian qua, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, dù đã có Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, nhưng quản lý còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở. Hiện tại, Sở Xây dựng các địa phương là nơi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, song có những địa phương không tổ chức thi cấp chứng chỉ. Pháp luật cũng không bắt buộc người hành nghề môi giới phải tham gia các khoá đào tạo. Điều này dẫn đến thị trường xuất hiện nhiều đối tượng không có chuyên môn, không có đạo đức tiếp tay cho các dự án ma lừa đảo khách hàng.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đã xuất hiện trường hợp mua bán chứng chỉ hành nghề. “Không chỉ những người chưa có chứng chỉ hành nghề, ngay cả một số cá nhân, tổ chức có chứng chỉ hành nghề cũng vì lợi ích riêng mà làm ăn chộp giật, lợi dụng ưu thế về thông tin tạo những cơ hội kiếm tiền không phù hợp đạo đức nghề nghiệp, trái với quy định pháp luật”, luật sư Trương Anh Tuấn khẳng định.

Cần chế tài đủ mạnh

Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản…

Để kiểm soát được mặt trái của môi giới bất động sản, giúp thị trường hoạt động lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, theo TS. Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cần thiết hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cho hoạt động môi giới bất động sản. Đồng thời, cần có chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo ông Đính, việc siết chặt môi giới bất động sản thực chất là nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng như tính chuyên môn của hoạt động môi giới, không hạn chế số lượng, bởi thực tế số lượng người môi giới có chứng chỉ, chuyên môn hành nghề vẫn rất mỏng so với nhu cầu thị trường. “Cần có cơ chế quản lý như cấp mã số hành nghề, hoặc áp dụng công nghệ 4.0 như quản lý công dân chứ không để môi giới bất động sản “tự tung tự tác” như thời gian qua”, ông Đính nói.

Trước ý kiến lo ngại phát sinh trường hợp mua bán chứng chỉ môi giới giả, môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề vẫn tiếp tay lừa đảo, luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, đối với những trường hợp này, khi phát hiện phải xử phạt thật nặng, tước luôn chứng chỉ hành nghề, vĩnh viễn không được hoạt động, cần thiết công khai thông tin để khách hàng, chủ đầu tư nắm bắt và né tránh.

Chuyên đề