Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cùng việc tập trung đẩy mạnh phục hồi giúp cho thị trường logistics tại châu Á - Thái Bình Dương có một nửa đầu năm 2021 đầy khả quan. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Ông Henry Chin, Trưởng Bộ phận Investor Thought Leadership Toàn cầu & Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của CBRE châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đối với lĩnh vực cho thuê văn phòng, trong năm 2021, hoạt động cho thuê dần được cải thiện, khi nhu cầu thuê trên đà phục hồi so với mức thấp của năm trước.
Tỷ lệ hấp thụ tăng khoảng 20% trong nửa đầu năm 2021, nhờ vào kết quả hoạt động khả quan ở thị trường Bắc Á. Nhu cầu thuê cả năm dự kiến tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5% được dự báo hồi đầu năm. Các thị trường vẫn duy trì kết quả hoạt động khả quan như Singapore, Đài Bắc, Seoul. Dự báo, giá thuê văn phòng hạng A sẽ tăng trưởng trên mức trước đại dịch vào năm 2023.
Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu cho thuê cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan, với diện tích hấp thụ tại TP.HCM và Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2021 gần bằng mức trước đại dịch. Tuy nhiên, thị trường 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến đối mặt với nhiều thách thức, khi Việt Nam vẫn đang tiếp tục áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, dẫn tới khả năng tăng trưởng giá thuê dự kiến ở mức rất hạn chế.
Ở lĩnh vực bán lẻ, trong nửa đầu năm 2021, doanh số bán lẻ ở hầu hết các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bình ổn trở lại, thậm chí bằng hoặc vượt mức doanh thu trước đại dịch, với xu hướng tiêu dùng tăng cao ở các danh mục như nhu yếu phẩm, xa xỉ phẩm, trang phục vận động và đồ thể thao, do ảnh hưởng của đại dịch. Kết quả hoạt động khả quan của các phân khúc bán lẻ này thúc đẩy nhu cầu thuê và các quyết định thay đổi tới các địa điểm thuê có chất lượng tốt hơn.
Giá thuê trong khu vực dự báo ổn định vào năm 2022, trong đó, giá thuê tại các trung tâm thương mại phục vụ nhu yếu phẩm hàng ngày có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tại Việt Nam, mặc dù doanh số bán lẻ đã phục hồi trong quý I năm 2021, hầu hết các ngành hàng bán lẻ, ngoại trừ các mặt hàng thiết yếu, đã có sự sụt giảm tăng trưởng doanh số vào giữa năm khi Việt Nam trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh, thành phố ở cả phía Nam và phía Bắc. Trước tình hình đó, nhiều nhà bán lẻ đã chuyển hướng sang sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến. Phương thức này được dự báo sẽ là tiêu chuẩn kinh doanh bán lẻ mới, được cả trung tâm thương mại lẫn các hãng bán lẻ đón nhận, khi chúng ta dần vượt qua được đại dịch.
Riêng logistics, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cùng việc tập trung đẩy mạnh phục hồi giúp cho thị trường logistics tại châu Á - Thái Bình Dương có một nửa đầu năm 2021 đầy khả quan. Giai đoạn này chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PLs), với tỷ lệ hấp thụ lên đến 35,6 triệu m2 tại châu Á, con số cao nhất được ghi nhận trong nửa đầu năm.
Giá thuê bất động sản cho logistics khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ghi nhận ở mức tích cực trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng trưởng 1,6% so với hồi cuối năm ngoái trước. Theo đó, CBRE đã điều chỉnh dự báo giá cho thuê ở các thị trường bao gồm Bắc Kinh, Singapore, Melbourne, Đặc khu hành chính Hồng Kông lên mức cao hơn.
Tại Việt Nam, ở các tỉnh phía Nam, giá cho thuê dự kiến sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ. Đối với khu vực phía Bắc, mặc dù phần lớn tâm lý của nhà đầu tư và khách thuê đều khá tích cực, nguồn cung lớn trong hai năm tới sẽ khiến chủ nhà có thể phải ưu tiên tỷ lệ lấp đầy trước khi kỳ vọng tăng trưởng giá thuê.
“Đối với thị trường Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021 là một giai đoạn sôi động của các nhà đầu tư cũng như chủ sở hữu bất động sản trong lĩnh vực công nghiệp và logistics, với một số giao dịch được ghi nhận trong thời gian này. Hoạt động đầu tư phát triển dự án logistics, thương mại và nhà ở sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn, trong khi các loại hình bất động sản đầu tư khác như văn phòng và khách sạn chất lượng tốt có thể sẽ được săn đón trở lại khi Việt Nam trên đà phục hồi”, ông Chin cho biết.