Cắt bỏ triệt để rào cản đầu tư, kinh doanh là biện pháp thiết thực để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “cú sốc” đại dịch Covid-19 và trỗi dậy mạnh mẽ. Ảnh: Tiên Giang |
Trong thành tựu ấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có những đóng góp không nhỏ góp phần bảo vệ quyền tự do kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Nhắc đến điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý hay còn gọi là giấy phép con là nhắc tới những rào cản, hạn chế DN gia nhập thị trường; cản trở sự phát triển của DN, khiến DN không lớn lên được hoặc sợ lớn.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thường nhấn mạnh quan điểm này mỗi khi nhắc đến câu chuyện giấy phép con. Theo ông, vì giấy phép con mà không ít nhà đầu tư tiềm năng phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật. Bởi ĐKKD yêu cầu nhà đầu tư có mặt bằng, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà đến nay cộng đồng DN Việt Nam vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, thiếu bóng dáng của những DN tỷ USD.
Theo ông Cung, quy định về ĐKKD là một công cụ quản lý nhà nước, tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Các quy định về ĐKKD hợp lý sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chung của xã hội, duy trì trật tự và cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, những quy định không hợp lý sẽ tạo rào cản và gia tăng chi phí và rủi ro cho hoạt động kinh doanh, tạo cạnh tranh không lành mạnh và cản trở phát triển. Và nhằm bảo vệ quyền lợi cục bộ của các bộ, ngành, trong quá trình soạn thảo, xây dựng các văn bản hướng dẫn quy định pháp luật, giấy phép con đã xuất hiện và được cài cắm với nhiều hình thức khác nhau. Từ kinh nghiệm hàng chục năm tham gia vào cuộc chiến cắt giảm ĐKKD, ông Cung chia sẻ: “Tôi thấy không bao giờ các bộ, ngành chịu bỏ các ĐKKD. Nói cách khác là hầu như không có bộ, ngành nào tự rà soát mình, tự kiến nghị Chính phủ để bãi bỏ các quy định không cần thiết”. Vì thế, đã nảy sinh hiện tượng nhiều ĐKKD sau khi được cắt bỏ đã “mọc trở lại” hoặc biến tướng dưới các “hình hài” khác nhau ở các văn bản pháp luật.
Nhưng với tinh thần tiên phong, cải cách, đổi mới, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp mạnh mẽ để cắt giảm, xóa bỏ giấy phép con. Đến nay, tư duy của các bộ, ngành đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng cơ quan quản lý đồng hành, hỗ trợ DN phát triển.
Ông Cung cho biết, qua hơn 20 năm ban hành và thực thi Luật DN, nhiều người ví đạo luật do Bộ KH&ĐT chắp bút và chủ trì xây dựng như “luồng gió mới về tư duy”, góp phần quan trọng làm “bừng nở” khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Hỗ trợ cho sự phát triển của DN, ngay từ năm đầu tiên Luật DN 1999 có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký lệnh xóa bỏ hàng trăm giấy phép con. Và đây là lần đầu tiên xóa bỏ giấy phép con.
Đợt cắt giảm mạnh mẽ ĐKKD thứ hai phải kể đến là vào năm 2017. Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8/2017, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ cắt bỏ 3/4 trong số hơn 4.000 ĐKKD được cho là gây khó khăn, cản trở DN. “Phải khẳng định là “cắt bỏ” chứ không phải "cắt giảm, đơn giản hoá", ông Cung nhấn mạnh và cho biết, với đề xuất này, “đã có rất nhiều người chất vấn tôi trong việc căn cứ vào đâu cũng như có không ít người chửi tôi vì đề nghị cắt bỏ này”. Tuy nhiên, đáng mừng là sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, hàng loạt các nghị quyết của Chính phủ về việc cắt giảm ĐKKD dưới sự tham mưu của Bộ KH&ĐT đã được ban hành như: Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 31/8/2017; Nghị định 98/NQ-CP ngày 3/10/2017. Nhiều bộ, ngành đã vào cuộc cắt giảm ĐKKD mạnh mẽ trong năm 2018 như: Bộ Công Thương, Bộ Y tế… khiến giới kinh doanh “mừng rơi nước mắt”.
Đặc biệt, Luật DN và Luật Đầu tư, 2 đạo luật do Bộ KH&ĐT trực tiếp chắp bút soạn thảo, đã có nhiều đề xuất cải cách mang tính đột phá, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN Việt Nam với việc nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ ĐKKD không cần thiết, bất hợp lý. Gần đây nhất, Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số quy định liên quan đến cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng đối với việc bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm loại bỏ những ĐKKD không cần thiết, không hợp lý cản trở sự phát triển của DN thời gian qua.
Cùng với đó, để đốc thúc cũng như nhắc nhở các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc cắt bỏ ĐKKD cản trở sự phát triển của DN, tại 5 nghị quyết số 19 và nay là Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo nhiều năm qua đều nhấn mạnh tinh thần quyết chiến với giấy phép con, tạo động lực cho phát triển.
“Những thứ cắt bỏ đi để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho DN và người dân thì không có gì bất ổn và chắc chắn không ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật”, ông Cung nhấn mạnh.
Tuy vậy, đến nay, cắt bỏ giấy phép con vẫn là cuộc chiến gian nan, khó khăn. Kể từ cuối năm 2019, đặc biệt là năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động nặng nề. Đáng nhẽ trong bối cảnh ấy, hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với việc tập trung cắt bỏ ĐKKD bất hợp lý, không phù hợp phải được đẩy mạnh hơn để khuyến khích DN vượt qua khó khăn, nhưng thực tế các bộ, ngành gần như không có chuyển động nào.
Trong bối cảnh ấy, ông Cung cho rằng, để đồng hành và hỗ trợ DN vượt qua “cú sốc” đại dịch Covid-19 và trỗi dậy mạnh mẽ, trong vai trò cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp của Chính phủ, Bộ KH&ĐT cần thể hiện hơn nữa bản lĩnh của mình trong cắt bỏ triệt để rào cản kinh doanh, thúc đẩy cải cách, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo phát triển. Cắt bỏ ĐKKD cũng chính là cách tạo động lực cho các cơ quan quản lý nhà nước tìm kiếm công cụ và cách thức quản lý khác phù hợp hơn. “Cắt đi ĐKKD thì mới yêu cầu cán bộ nhà nước phải đổi mới tư duy, tìm cách thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thông tin thu thập rất nhanh”, ông Cung nhấn mạnh.