Từ năm 2015, ngân sách nhà nước không thực hiện hỗ trợ trực tiếp 1% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp |
Chi 4.800 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp
Ước tính đến cuối năm 2015, tổng số kết dư Quỹ BHTN là 48.901 tỷ đồng, tăng 7.447 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,96% so với năm 2014. Tuy nhiên, số thu BHTN đang theo chiều hướng giảm trong khi đối tượng tham gia BHTN ngày càng tăng lên. Nếu năm 2014, số người tham gia BHTN là 9.219.753 người thì đến năm 2015 đã tăng thêm 1.067.841 người và dự kiến năm 2016, số người tham gia mới BHTN sẽ tăng thêm khoảng 355.215 người.
Hiện tại, người lao động, bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động và lao động không có quan hệ lao động tham gia BHTN sẽ được hưởng hai nhóm chính sách. Một là, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh. Hai là, chế độ hỗ trợ người lao động thất nghiệp gồm các chế độ như BHTN hiện nay (hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp).
Thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã thực hiện tốt các chính sách về BHTN cho người lao động. Số người được hưởng chế độ bảo hiểm ngày càng tăng lên. Năm 2014 đã có 552.405 người lao động được hưởng chế độ BHTN, năm 2015 số người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm này là 618.000 người, tăng gần 66.000 người so với năm 2014. Tổng số chi BHTN năm 2015 ước là 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 4.506 tỷ đồng, chi hỗ trợ học nghề là gần 69 tỷ đồng, trích đóng bảo hiểm y tế là 225 tỷ đồng.
Thu bảo hiểm thất nghiệp giảm hơn 2.500 tỷ đồng
Chính sách tốt, được đa số người lao động ủng hộ, tuy nhiên, vấn đề đang khiến ngành bảo hiểm đau đầu hiện nay chính là câu chuyện số người tham gia và được thụ hưởng chế độ BHTN ngày càng tăng, trong khi số tiền thu BHTN lại liên tục giảm trong những năm gần đây. Riêng năm 2015, số tiền thu BHTN đã giảm 2.525 tỷ đồng, đó là chưa kể đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn nợ và nợ đọng tiền đóng BHTN cho người lao động là 315 tỷ đồng. Điều này nói lên sự khó khăn của Quỹ BHTN, đòi hỏi chia sẻ của người lao động trong việc chủ động nâng cao năng lực việc làm.
Giải thích cho số thu BHTN giảm, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết là do theo quy định của Luật Việc làm, từ năm 2015, ngân sách nhà nước không thực hiện hỗ trợ trực tiếp 1% vào Quỹ BHTN, mà sẽ căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ để hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, để Quỹ BHTN phát triển bền vững, bên cạnh khuyến khích người lao động tham gia BHTN để tăng nguồn thu cho phát triển Quỹ thì bản thân người lao động phải nâng cao trình độ, năng lực làm việc để trước những biến động của thị trường lao động có thể “thích ứng được ngay” với những vị trí việc làm mới, từ đó hạn chế thất nghiệp. Đây cũng là giải pháp căn cơ góp phần giảm gánh nặng cho Quỹ BHTN, tạo điều kiện để Quỹ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp cụ thể để có thể thu hồi nợ, nợ đọng đóng BHTN của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... đối với Quỹ BHTN; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để thực hiện chi đúng, chi đủ cho đối tượng được hưởng BHTN. Chỉ có như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia nhiều hơn vào loại hình bảo hiểm này.