Cẩn trọng khi thanh khoản của thị trường “tụt áp”

(BĐT) - Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, chỉ số VN-Index giảm gần 15 điểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là thanh khoản thị trường vẫn rất yếu với tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn niêm yết HNX và HOSE đạt 206,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch 5.100 tỷ đồng. 
Nhiều khả năng thị trường sắp tới sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều khả năng thị trường sắp tới sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ. Ảnh: Tiên Giang

Thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp chưa phải là tín hiệu tin cậy cho thấy thị trường sớm quay trở lại nhịp tăng điểm.

Thanh khoản giảm mạnh

Tính riêng trên HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 135,1 triệu đơn vị với giá trị 3.639 tỷ đồng. Trước đó, phiên giao dịch ngày 13/6 ghi nhận tăng mạnh về điểm số, nhưng thanh khoản thị trường lại ở mức rất thấp. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE phiên 13/6 chỉ đạt vỏn vẹn 94,4 triệu đơn vị, thấp hơn 44% so với phiên giao dịch trước đó và thấp hơn khoảng 33% so với khối lượng khớp lệnh bình quân 20 phiên gần nhất. Thống kê cho biết, khối lượng khớp lệnh trên HOSE trong phiên ngày 13/6 là mức thấp nhất kể từ phiên giao dịch 2/2/2017 (khớp lệnh 82 triệu đơn vị), giá trị khớp lệnh tương ứng đạt 2.979 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất trong khoảng 3 tuần trở lại đây.

Kể từ đầu năm 2018, thanh khoản của thị trường cũng liên tục yếu dần. Sau khi ghi nhận giá trị khớp lệnh kỷ lục trong tháng 1/2018 với 144.723 tỷ đồng, giá trị khớp lệnh tháng 2/2018 sụt giảm mạnh chỉ còn 84.936 tỷ đồng, sau đó hồi phục trở lại trong tháng 3/2018 và giảm dần đều các tháng sau đó. 

Tình hình giao dịch trên HOSE từ đầu năm 2018

Nhà đầu tư cần thận trọng

Nhận định về sự sụt giảm thanh khoản, một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, dòng tiền chưa thực sự chảy mạnh vào thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đang quan sát và vẫn khá thận trọng với xu hướng hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn với khối lượng lớn thời gian gần đây khiến dòng tiền lớn của nhà đầu tư nội chưa thực sự nhập cuộc.

Theo số liệu thống kê, ngoại trừ tuần giao dịch trước (4/6 - 8/6) với khối ngoại mua ròng 46 tỷ đồng, thì các tuần giao dịch trước đó, dòng vốn ngoại đã rút ra một lượng lớn. Cụ thể, trong tuần giao dịch từ 28/5 đến 1/6, khối ngoại đã bán ròng khoảng 16,8 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị bán ròng xấp xỉ 1.001 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tuần từ 21/5 - 25/5, khối ngoại bán ròng 40,48 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng hơn 2.396 tỷ đồng. Còn các phiên từ 14/5 - 18/5, mặc dù khối ngoại mua ròng 28.000 tỷ đồng nhưng là nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến của VHM lên tới 28.547 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch đột biến này thì khối ngoại vẫn bán ròng hơn 500 tỷ đồng.

Cùng với đó, phiên hồi phục của thị trường đi kèm thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp chưa phải là tín hiệu tin cậy cho thấy thị trường sớm quay trở lại nhịp tăng điểm. Nhiều khả năng thị trường sắp tới sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ. Biến động các nhóm cổ phiếu cũng có sự phân hóa mạnh, phụ thuộc báo cáo kết quả kinh doanh quý II dần được công bố.

Theo một chuyên gia môi giới chứng khoán, một thực tế rất hay gặp trên thị trường là ở quanh vùng đỉnh, thanh khoản thường lớn nhất và ở quanh vùng đáy, thanh khoản là nhỏ nhất. Các phiên phục hồi với thanh khoản kém không được đánh giá cao trên phương diện kỹ thuật, nhưng điều quan trọng hơn không phải là ở khối lượng, mà là ở sự thay đổi về đánh giá thị trường của nhà đầu tư. Đó mới là nguồn gốc của thanh khoản. Thanh khoản thấp như hiện nay có thể là do dấu hiệu cạn cung, nếu đi ngang thì khả năng là vùng đáy. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy một nền tảng ổn định, đồng thời 3 cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn Vingroup gồm VIC, VRE, VHM có ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index (chiếm 22,86% vốn hóa của thị trường) đều khó giảm sâu, thì khó có khả năng VN-Index giảm mạnh.

Chuyên đề