Ảnh Internet |
Cơ hội là rất lớn nhưng làm thế nào để tận dụng được các cơ hội này khi Hiệp định có hiệu lực là câu chuyện đáng bàn.
Vắng Mỹ, “sân chơi” CPTPP có còn hấp dẫn?
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP kế thừa tinh thần của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng không có Mỹ. Trước thực tế này, có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại rằng liệu sân chơi CPTPP khi không có Mỹ có còn hấp dẫn?
Trả lời câu hỏi này, trong một báo cáo vừa được công bố sáng 9/3, tức là sau khi Hiệp định được ký kết, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định rằng, CPTPP vẫn đem lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia thành viên. Cụ thể, đối với Việt Nam, nếu tính đến lợi ích trực tiếp và gián tiếp, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 3,6 điểm phần trăm so với mức trên 6 điểm phần trăm của TPP.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, không còn thị trường Mỹ thì dung lượng thị trường sẽ giảm bớt, nhưng cơ hội dành cho DN tiếp cận các thị trường khác vẫn tương tự. Với những thị trường chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Nhật Bản thì nay sẽ có cơ hội mở cửa thị trường tốt hơn. Trong khi một số thị trường mới như Canada, Mexico hay Peru cũng đều là thị trường quan trọng, nhiều tiềm năng để có thể khai thác.
CPTPP không có Mỹ, theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không có nghĩa nước này hoàn toàn đóng cửa. Tuy không có Mỹ nhưng cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư vẫn tốt. Trong số các nước thành viên tham gia Hiệp định, Nhật Bản là một thị trường, một bạn hàng mà chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược. Đây là thuận lợi và là cơ hội quý giá theo nghĩa cộng sinh hơn là vị thế cạnh tranh, khi chúng ta lựa chọn thu hút nhà đầu tư của các đối tác trong cộng đồng này.
Trước lo ngại Mỹ không tham gia CPTPP sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành dệt may, da giày của Việt Nam - những ngành hàng vốn được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Mỹ tham gia, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, Mỹ là thị trường rất lớn của ngành dệt may, da giày Việt Nam. Do đó, khi CPTPP không có Mỹ, các lợi ích kỳ vọng từ Hiệp định của các ngành này cũng sụt giảm đáng kể. Mặc dù vậy, Mỹ không phải là thị trường duy nhất cho ngành dệt may, da giày Việt Nam. Canada, Mexico cũng là những thị trường đầy hứa hẹn mà khi chưa có CPTPP chúng ta chưa có ưu tiên nào khi tiếp cận. Ngay cả các thị trường đã có FTA như Australia, New Zealand, Nhật Bản, những thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm liên quan, hai ngành này cũng có nhiều cơ hội từ CPTPP.
Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội từ CPTPP
Mặc dù cơ hội, tiềm năng là rất lớn, nhưng hiện thực hóa được cơ hội đó lại là câu chuyện khác. Bởi bài học thực tế khi gia nhập WTO, các hiệp định FTA trước đây cho thấy, đến nay, chúng ta vẫn chưa khai thác được hết cơ hội. Bà Nguyễn Thu Trang chỉ ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của DN Việt Nam mới đạt trung bình khoảng 30 - 35%. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là chuyện DN không biết về những cơ hội thuế quan này, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi, và không biết làm thế nào để tuân thủ các thủ tục phức tạp… Rõ ràng, cơ hội bỏ lỡ là rất lớn.
Để khắc phục được những hạn chế này và tận dụng triệt để các lợi thế có được từ các FTA nói chung và CPTPP nói riêng, ông Bùi Tất Thắng cho rằng, điều trước tiên cần phải làm là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, DN… hiểu rõ hơn nội dung, yêu cầu của Hiệp định, nhất là những quy định khắt khe về quy tắc xuất xứ. Đối với các ngành hàng đang có thế mạnh, Nhà nước cũng như các hiệp hội cần hỗ trợ thông tin về các mặt hàng, ngành hàng có lợi thế, tiềm năng để DN không tuột mất cơ hội. Một khi đã phát hiện ra cơ hội, nhiều khả năng người khác cũng có thể nhìn ra, nếu không làm nhanh hơn thì khó mà thắng được.
Về phía DN, theo bà Trang, DN cần chủ động tìm hiểu cam kết, để biết cơ hội nguồn hàng nằm ở đâu, cơ hội thị trường ở đâu, cần đáp ứng điều kiện gì, từ đó có hành động thích hợp để đáp ứng và hiện thực hóa các cơ hội này. Và DN không thôi cũng chưa đủ, cần sự vào cuộc thật nhiệt thành, thực chất và hiệu quả của các cơ quan nhà nước liên quan trong việc tuyên truyền, phố biến, tư vấn cho DN hiểu về CPTPP. Được biết, CPTPP là một FTA đặc biệt phức tạp, DN hầu như khó có thể đọc mà hiểu được những cam kết này, càng chưa nói đến chuyện phân tích các ảnh hưởng từ cam kết tới hoạt động của mình. DN cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, những người trực tiếp tham gia đàm phán để hiểu rõ những ý tứ phía sau những cam kết này.
Và quan trọng hơn cả, bà Trang nhấn mạnh, chúng ta cần tận dụng được động lực từ CPTPP để cải cách, tạo bước ngoặt trong hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư theo các tiêu chuẩn quốc tế được ghi nhận trong CPTPP, tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Những cải cách này không phải là từ yêu cầu cam kết, mà là từ nhu cầu nội tại của chính chúng ta, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách được nhấn mạnh thời gian qua. Chỉ có cải cách mới có thể tạo không gian, điều kiện tốt nhất cho việc tận dụng cam kết, hiện thực hóa các cơ hội này.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, để tận dụng được cơ hội, chúng ta cần chuẩn bị một lực lượng DN hùng hậu, lớn mạnh để có thể hội nhập quốc tế, hội nhập với các nước thành viên nội khối CPTPP. Để làm được điều đó, cần tháo bỏ các rào cản kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh cổ phần hóa, vốn hóa thị trường để khu vực tư nhân tham gia. Các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng mua bán, sáp nhập để trở thành DN Việt Nam, để từ Việt Nam xuất hàng hóa đi các thị trường trong khối CPTPP.