Cần đối thoại định kỳ chính sách thuế để gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, cao su,...; mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các DN ngành giấy cần thu mua phế liệu… là những vướng mắc mà các DN đang gặp phải, gây áp lực về dòng tiền. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tổ chức đối thoại định kỳ với cộng đồng DN, từ đó mới tháo gỡ kịp thời những khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa đề xuất như vậy với Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các DN, hiệp hội quý I/2023.

Quy trình hoàn thuế kéo dài gây áp lực dòng tiền cho DN

Theo phản ánh của DN ngành gỗ, quy trình hoàn thuế VAT hiện đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến DN bị động, số tiền chờ hoàn của các DN lên hàng nghìn tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với DN, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều DN sẽ phải tuyên bố phá sản.

Bên cạnh đó, mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để đảm bảo gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn, nhưng việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế không phù hợp với thực tiễn cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho khâu sản xuất, xuất khẩu (yêu cầu chịu trách nhiệm minh bạch về toàn bộ hóa đơn, chứng từ liên quan chuỗi cung; chịu thuế GTGT đầu vào và phải chờ xét hoàn thuế).

Cách làm này dẫn tới một thực trạng rất nóng vừa qua là, sau khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả các DN nhóm “nhà mua” nguyên liệu chế biến gỗ đã thông báo đồng loạt dừng nhập nguyên liệu “gỗ đầu vào cho sản xuất” ở các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng.

Ngoài ra, việc không nhất quán trong quan điểm, quy định, cách làm về truy xuất nguồn gốc gỗ giữa các cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính) đang gây khó cho quá trình thực thi của cả cán bộ công chức và sự tuân thủ của DN.

Không chỉ DN ngành gỗ, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng khó khăn về thủ tục hoàn thuế. Theo đó, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, do đó không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho DN trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế VAT 10%. Sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng cục Thuế cho phép làm các bảng kê nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều DN, nên DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật.

Liên quan đến việc xác định mức thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, hiệp hội ngành nghề này phản ánh, Luật số 71/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế (có hiệu lực ngày 1/1/2015) đã bổ sung “phân bón” vào đối tượng không chịu thuế, nhằm hỗ trợ người nông dân thông qua việc giảm chi phí nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong thực tế, ở góc độ DN, quy định này khiến cho nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không được khấu trừ, các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ buộc phải tính toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT vào chi phí sản xuất, khiến giá thành tăng lên, qua đó làm giảm sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu. Mặt khác, các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón không được hoàn thuế VAT cho trang thiết bị công nghệ cấu thành tài sản cố định của dự án khiến suất đầu tư dự án cao, làm giảm động lực của DN đối với việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Trước đó, tại Diễn đàn DN (VBF) năm 2023, Nhóm công tác Thuế và Hải quan của VBF cũng phản ánh về tình trạng tồn đọng số lượng lớn hồ sơ của người nộp thuế qua nhiều năm theo cơ chế APA (thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế để xác định căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế, tỷ suất lợi nhuận… làm cơ sở xác định trị giá tính thuế liên quan đến giao dịch liên kết).

Cập nhật thường xuyên khó khăn, vướng mắc trong thực thi

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên của DN ngành gỗ, Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cần có quy định để phân loại DN trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT. Cụ thể, đối với các DN hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh, thì cho phép DN hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất. Dựa trên kết quả kiểm tra sau, xử phạt nghiêm các DN vi phạm để phân biệt và không làm ảnh hưởng đến các DN chấp hành tốt pháp luật. Đối với DN mới thành lập, DN sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước sau đó mới tiến hành hoàn thuế.

Thay vì dồn chế tài vào DN ở khâu sản xuất cuối cùng, các cơ quan chức năng cần phối hợp đánh giá lại khâu nguy cơ cao về gian lận thuế trong chuỗi để giám sát tập trung; xem xét làm rõ trách nhiệm của từng DN/hộ kinh doanh trong chuỗi và hình thức xử phạt với các DN/hộ kinh doanh trực tiếp vi phạm.

Còn với DN ngành giấy và bột giấy, Ban IV khuyến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép DN được đóng thay thuế VAT cho các đầu mối thu mua phế liệu, sau đó tiến hành hoàn thuế VAT sau để giải quyết các vướng mắc về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc thu mua, tái chế phế liệu, hướng đến sản xuất tuần hoàn theo đúng xu hướng hiện nay.

Ban IV cũng cho rằng, kiến nghị của Hiệp hội Phân bón là hợp lý, Chính phủ cần xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để áp thuế VAT đối với phân bón (ví dụ ở mức 5%) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN sản xuất phân bón trong nước.

“Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với DN ngay trong quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu Covid... từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho DN phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập”, Ban IV đề xuất.

Chuyên đề