Cần đẩy mạnh thị trường tài chính xanh cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và nhiều đơn vị khác, thiếu nguồn lực về tài chính là một trong những rào cản đối với nhiều doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh - nguồn lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn - mới manh nha hình thành.
Quang cảnh Diễn đàn Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Việt
Quang cảnh Diễn đàn Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Việt

Tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, từ chiến lược, chính sách đến hiệu lực thực thi là khoảng cách lớn. Cụ thể, kế hoạch hành động của Chiến lược Tăng trưởng xanh 2011 - 2020 chỉ đạt 3/12 mục tiêu đề ra, tác động lan tỏa thấp. Bên cạnh đó, chuyển động "xanh" của doanh nghiệp còn hạn chế, tỷ lệ sản phẩm "xanh" đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nhất là ở các nước châu Âu còn thấp, chỉ khoảng 5%.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM, doanh nghiệp đang rất dè dặt trong cách tiếp cận với kinh tế tuần hoàn và lợi ích của mô hình này mang lại. Trao đổi với chuyên gia, với doanh nghiệp thì phần lớn vấn đề họ sợ khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế này là giá thành sản xuất lớn hơn và người tiêu dùng khó chấp nhận được mức giá mới. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thì câu chuyện nằm ở sự hạn chế về năng lực công nghệ, tài chính để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế này.

Không chỉ có Việt Nam, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia và Philippines, tài chính là thách thức lớn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Theo nghiên cứu của CIEM và nhiều đơn vị khác, việc cung ứng và tiếp cận tài chính là một trong những rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt khi kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, bên cạnh các rào cản khác như khung pháp luật chưa đầy đủ, thiếu giải pháp công nghệ,…

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chỉ ra, trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống cho các lĩnh vực xanh tại Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô dư nợ nhỏ (tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 46,7%) và nông nghiệp xanh (chiếm tỷ trọng hơn 31%).

Còn về trái phiếu xanh, từ năm 2021, Việt Nam tích cực tham gia các tiêu chuẩn trái phiếu xanh, xã hội, bền vững ASEAN (AGBS; ASBS, ASUS); hướng dẫn về trái phiếu bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). Theo ghi nhận của phóng viên, các thương vụ phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế đến từ các tập đoàn lớn trong nước như Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup), BIM Land, EVNFinance.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới manh nha hình thành. Về khung pháp lý và chính sách, các quy định tài chính xanh dừng ở mức định hướng, thiếu cụ thể, đặc biệt là tiêu chí xanh, dự án xanh, cơ chế giám sát, quản lý sử dụng vốn huy động. Trong khi đó, hạ tầng hỗ trợ chưa đầy đủ, thể hiện ở số lượng các đơn vị tư vấn phát hành, xác nhận tiêu chuẩn xanh theo chuẩn quốc tế còn ít. Ngoài ra, văn hóa kinh doanh, đầu tư gắn với trách nhiệm xã hội hay mục tiêu bảo vệ môi trường chưa hình thành.

Về chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM đề xuất, dự án kinh tế tuần hoàn được quyền tiếp cận các nguồn vốn thông thường và xanh. Ngoài ra, dự án xanh toàn phần không được tính trong chỉ tiêu tín dụng được NHNN phân bổ cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh, song có đặt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.

Chuyên đề