Cải cách giai đoạn 2021 - 2025 cần đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị tham vấn cấp cao với chủ đề "Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025" diễn ra ngày 29/10, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh sự kiên trì thực hiện những cải cách đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất.
Theo CIEM, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn (ảnh: PA)
Theo CIEM, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn (ảnh: PA)

Bà Minh cho biết, bối cảnh kinh tế năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam khi trải qua 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp.

“Chính phủ vẫn ưu tiên cao nhất trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, qua đó chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đồng thời duy trì đồng thuận xã hội hướng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh”, Viện trưởng CIEM khẳng định và cho rằng, khó khăn kinh tế một lần nữa lại thử thách ý chí, quyết tâm và khối óc của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Theo bà Minh, chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng trong việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế thông qua việc đề ra nhiều giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế; phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ cải cách, chúng ta cũng phải đối mặt với rủi ro về nhiều cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.

“Trong bối cảnh ấy, tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng. Với góc nhìn như vậy, CIEM và cá nhân tôi luôn tâm niệm phải xác định và kiên trì thực hiện những cải cách đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất”, bà Minh bày tỏ.

Theo đó, Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề, trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh tới 5 nội dung quan trọng. Trước tiên là duy trì cải cách trong quá trình phục hồi, và yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế. Hai là huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn lực. Ba là không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững. Bốn là những yêu cầu, đòi hỏi thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Năm là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Chuyên đề