Nghị quyết số 02 năm 2021 yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thông điệp này tại cuộc họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP diễn ra ngày 4/1/2021, tại Hà Nội.
Hàng ngàn rào cản được dỡ bỏ
5 năm (2016 - 2020) thực hiện nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều kết quả ấn tượng.
“Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), tương đương cắt giảm 63% ĐKKD; cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục, tương đương 68% TTHC, kiểm tra chuyên ngành… Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa nói trên vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Liên quan đến hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Cổng đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến trên 6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ hơn 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%). Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy. “Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cứ ban hành 1 văn bản mới phải hủy 1 văn bản cũ; 1 luật có hiệu lực thì cố gắng chỉ có 2 nghị định hướng dẫn và mỗi nghị định không quá 1 thông tư. Với tinh thần này, nhiều bộ, ngành đã thực hiện rất tốt. Điển hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì xây dựng 3 luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật PPP) mà chỉ có 5 nghị định hướng dẫn…”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lấy ví dụ.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT trình Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 cũng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của mình. Nhờ đó, hàng ngàn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ; hàng trăm yếu tố xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chỉ đạo giải quyết. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện.
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách và phát triển kinh tế - xã hội; là năm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là năm bầu cử Quốc hội khóa XV; là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025... Thành công của năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo. Yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn khi các dự báo cho thấy năm 2021 vẫn đầy khó khăn, thách thức.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Nghị quyết số 02 năm nay yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 68/NQ-CP và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu. Đó là, đề ra phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bởi đây vẫn là khâu yếu; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn; tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và thời hạn hoàn thành.
Văn phòng Chính phủ đã xây dựng bộ công cụ để đánh giá trách nhiệm và sự tích cực của các cơ quan trong vấn đề này.