Cách nào kéo giảm chi phí logistics?

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Nhanh chóng tháo gỡ các “điểm nút” khiến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động logistics là một số giải pháp được đưa ra để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ này nói riêng và doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung.

Cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động logistics để kéo giảm chi phí. Ảnh: Lê Tiên
Cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động logistics để kéo giảm chi phí. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp mệt mỏi vì chi phí cao

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” diễn ra ngày 26/11, tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra: “Dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có nhiều điểm sáng trong thời gian gần đây song chi phí vẫn còn cao”.

Ông Lộc cho biết, theo khảo sát của Công ty Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, cao gần gấp 2 lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ khoảng 15%. Chính chi phí cao làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Theo đại diện VCCI, có 3 vấn đề cơ bản khiến chi phí logistics của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh. Trước hết, về cơ sở hạ tầng logistics, trong khoảng 1 thập kỷ qua đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn. Vận tải bằng đường bộ vẫn là chủ yếu trong khi chi phí lại cao. Hệ thống đường sắt trong nước lạc hậu và thiếu kết nối với các cảng hàng hóa. Hệ thống đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả.

Ngoài ra, kết nối DN trong nước với DN nước ngoài còn lỏng lẻo. Thị phần dịch vụ logistics chủ yếu do DN lớn nước ngoài nắm giữ với 75%, chỉ 25% thuộc về DN Việt Nam, chủ yếu là DN nhỏ và vừa với năng lực không đồng đều, đi sau các DN FDI về công nghệ.

Đặc biệt, theo khảo sát gần đây của VCCI, hoạt động kiểm tra chuyên ngành khiến DN mất nhiều thời gian. Quy trình thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu rõ ràng, dư địa cải cách vẫn còn nhiều. “Chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính còn phổ biến khiến chi phí logistics tăng lên”, ông Lộc cho biết.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Công ty CP Logistics và Khai thác cảng Lokaport chia sẻ: “Chi phí không chính thức khiến không ít DN logistics mệt mỏi”.

Báo cáo gửi tới Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội DN dịch vụ logistics thực hiện cũng chỉ ra, một trong những điểm làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam là chi phí phi chính thức có tỷ trọng cao trong tổng chi phí vận tải đường bộ. Nguyên nhân là do giới hạn về trọng tải thấp cũng như khung giờ hoạt động của xe tải eo hẹp, nhiều trạm thu phí… dẫn đến nhiều DN vi phạm và mất chi phí không chính thức.

Cấp thiết tạo “bước nhảy” về dịch vụ logistics

Trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ, các hiệp định thương mai tự do mở ra cơ hội phát triển cho ngành logistics, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần phải tháo gỡ các điểm nút trên nhằm tạo “bước nhảy” cho ngành vươn lên.

“Cần ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistics. Đây là chìa khoá để các DN Việt giảm chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập”, ông Lộc gợi ý.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam đề xuất, cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động logistics, ứng dụng công nghệ block-chain, trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi... để kéo giảm chi phí.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành dịch vụ quan trọng này, trong đó có yêu cầu giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, minh bạch nhằm giảm thiểu các chi phí. Bản thân các DN logistics cũng cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao sức cạnh tranh…

Chuyên đề