Khách hàng nên thực hiện giao dịch gửi tiền đúng quy trình tại trụ sở của ngân hàng. Ảnh: Hoài Tâm |
Nên giao dịch tại tổ chức tín dụng
Một khách hàng VIP của Eximbank đã bị một cán bộ lãnh đạo chi nhánh của ngân hàng này chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2007, bà Bình, gửi tiết kiệm một số tiền lớn vào Eximbank và được ngân hàng này chăm sóc theo tiêu chuẩn khách hàng VIP. Ông Lê Nguyên Hưng - Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng trên là người đứng ra thực hiện các giao dịch với bà Bình. Nhiều lần ông Hưng cùng nhân viên của Eximbank đến nhà của bà Bình trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, ông Hưng đã tự ý làm giả ủy quyền của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Giấy ủy quyền của bà Bình cho 2 cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân nhưng bà Bình không biết hai người này.
Như vậy, có thể thấy một trong những rủi ro khi gửi tiền ngân hàng nhìn từ vụ khách hàng bị mất tiền ở Eximbank đó là thực hiện các giao dịch bên ngoài chi nhánh và phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tất cả các giao dịch của ngân hàng phải được thực hiện ở trong khuôn khổ của ngân hàng, vì lúc đó có các nhân viên, kiểm soát viên, đúng theo quy trình ký kết rồi những dữ liệu giao dịch đó phải được nhập vào trong hệ thống hạch toán của ngân hàng tức thì. Trong trường hợp của Eximbank, giao dịch tiền gửi được thực hiện tại nhà riêng của khách hàng, điều đó có nghĩa khách hàng chấp nhận bỏ qua một số quy trình trong lúc thực hiện giao dịch gửi tiền. Đặc biệt, có thể xảy ra rất nhiều rủi ro trong khoảng thời gian nhân viên ngân hàng mang tiền nhận được của khách hàng về để nhập vào hệ thống hạch toán tại trụ sở của họ.
Ông Hiếu cho biết thêm: “Ở Mỹ không có chuyện đến nhà riêng để phục vụ khách hàng. Tất cả các giao dịch thực hiện ngoài khuôn khổ của ngân hàng, vào ngoài giờ làm việc là không theo thông lệ quốc tế vì có rất nhiều rủi ro”.
Điều 8 tại Quyết định số 1160/NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm có nêu rõ: “Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Còn Điều 13, Chương II của Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nêu rõ: “Khách hàng trực tiếp đến tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thực hiện thủ tục tiền gửi”.
Theo TS. Đặng Anh Tuấn, Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu khách hàng thực hiện giao dịch đúng quy trình và tại trụ sở của ngân hàng thì rủi ro gần như không xảy ra. Về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.
Cần sớm có xếp hạng tín nhiệm ngân hàng
Tại Việt Nam, cho đến giờ này việc thực hiện xếp hạng các TCTD vẫn đang được dự thảo.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, thông qua xếp hạng tín nhiệm các TCTD, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hiện ra những ngân hàng có hoạt động tác nghiệp yếu kém và đưa ra những cảnh báo, xử lý đối với những ngân hàng này. Ngoài ra, nếu kết quả xếp hạng tín nhiệm không được công khai thì Nhà nước nên khuyến khích thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập để bán thông tin cho người muốn mua. Còn bây giờ mức độ rủi ro của các ngân hàng chưa có cơ sở để đánh giá. Chính vì vậy, việc tài khoản tiền gửi của khách hàng bị “bốc hơi” vẫn xảy ra trong nhiều năm qua.