Các ngân hàng cần thay đổi tư duy

(BĐT) - Các ngân hàng trong nước cần thay đổi tư duy để vượt sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các cam kết mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tiến sĩ Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital nhận định.
Sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam tương đối nghèo nàn. Ảnh: Tiên Giang
Sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam tương đối nghèo nàn. Ảnh: Tiên Giang

Theo ông, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nên làm gì trong khi chờ đợi TPP có hiệu lực?

Qua những quan sát và liên lạc với các DN Việt Nam, tôi cho rằng họ phải tích cực hơn trong công tác chuẩn bị. Bởi vì theo một số thống kê, có đến 60 - 70% DN Việt vẫn chưa nắm vững những điều kiện của TPP. Thực ra TPP đang trong giai đoạn triển khai từng bước một và dự kiến đến năm 2018 mới bắt đầu có hiệu lực thực thi. Trong 2 năm tới là dịp tốt để các DN Việt Nam sẵn sàng cho TPP.

Ông đánh giá thế nào về việc ngân hàng nước ngoài có mặt ở Việt Nam ngày càng nhiều?

Thực ra lĩnh vực ngân hàng Việt Nam cũng đã có sự hiện diện của không ít nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Bank of Tokyo có cổ phần trong Vietinbank hay Standard Chartered có cổ phần trong Techombank. Do đó, các ngân hàng Việt Nam có khá nhiều kinh nghiệm trong hợp tác cũng như cạnh tranh với các nhà băng ngoại. Nhưng bây giờ họ phải đối mặt với nhiều đối thủ hơn, mà trước mắt phải kể đến những ngân hàng trong khu vực ASEAN như Singapore hay Thái Lan. Vì vậy, các ngân hàng Việt phải tích cực, chủ động hơn trong cạnh tranh sắp tới.

Các ngân hàng cần thay đổi tư duy ảnh 1
Tiến sĩ Alan Phạm
Theo ông, các ngân hàng trong nước có thể nhận được gì từ các nhà băng ngoại trong quá trình hội nhập?

Các ngân hàng Việt Nam vẫn trong tình trạng được chuyển đổi và tồn tại một số vấn đề, chẳng hạn như nợ xấu. Đó là khâu mà các nhà đầu tư ngoại có thể góp vốn và hỗ trợ những kiến thức để giải quyết nợ xấu. Đây là vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa có giải pháp tích cực, đồng bộ, dứt khoát để giải quyết. Tôi nghĩ rằng các ngân hàng của Mỹ (vốn có thời gian mang rất nhiều nợ xấu) hay các ngân hàng của Hàn Quốc, Thái Lan có thể mang lại những kinh nghiệm, kiến thức để chia sẻ.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhắm vào phân khúc sản phẩm nào khi đầu tư vào thị trường ngân hàng Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam có rất nhiều ngân hàng nhưng hầu như chưa phục vụ và làm khách hàng thực sự hài lòng. Thành ra các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ rằng họ có thể mang kinh nghiệm đến Việt Nam để đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng.

Thật ra hiện nay thu nhập của các ngân hàng Việt Nam hầu như 60 - 70% là từ cho vay. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài bảo rằng tại sao cho vay lại chiếm một tỷ lệ quá cao như vậy, tại sao không giảm bớt tỷ lệ cho vay và phát triển đa dạng những dịch vụ khác? Chẳng hạn những dịch vụ rất quan trọng cho khách hàng như dịch vụ sổ sách doanh nghiệp, quản trị tiền nong cho những người thu nhập cao hoặc ngoại hối…

Như vậy, các ngân hàng trong nước cần chuẩn bị cụ thể như thế nào?

Đương nhiên là đội ngũ nhân viên ngân hàng phải được huấn luyện bài bản hơn. Từ ban lãnh đạo, quản trị, điều hành ngân hàng phải là những người chuyên nghiệp về ngân hàng. Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều ngân hàng có ban quản trị phần nhiều là bạn bè của ban lãnh đạo, nhiều người trong đó thực ra không có kinh nghiệm hay kiến thức về lĩnh vực ngân hàng. Thành ra tôi nghĩ phải bài bản hoá, nhất là hệ thống quản trị của các ngân hàng trong nước.

Tôi nghĩ rằng các ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay quá tập trung vào thị trường trong nước, đó cũng chính là điểm yếu. Tư duy của các ngân hàng Việt Nam bây giờ là phải hướng ngoại, phải nhìn ra thị trường nước ngoài để xem các ngân hàng trong thị trường đó họ phục vụ khách hàng như thế nào. Chứ không thể nào dựa vào việc cho vay với tỷ suất quá cao như vậy.

Chuyên đề