Nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e ngại, nhất là về tính nhất quán trong hệ thống pháp luật và minh bạch trong quá trình thực hiện dự án PPP tại Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm |
Những nỗ lực này khi được hiện thực hóa sẽ mở ra cơ hội rõ ràng hơn trong thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là từ nhà đầu tư quốc tế, vào phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức PPP một cách đúng nghĩa, bài bản và hài hòa lợi ích.
Không để nhà đầu tư nước ngoài chỉ dừng lại ở sự quan tâm
Ngày 2/5/2018, Đối thoại cấp cao lần thứ nhất về hợp tác phát triển PPP tại Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione. Đây là một sáng kiến của Bộ KH&ĐT nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận, kết nối các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và đại diện các đối tác phát triển để cùng trao đổi về chính sách PPP; hợp tác, thúc đẩy thực hiện chương trình PPP và các dự án PPP; đồng thời tránh chồng chéo, trùng lắp trong hỗ trợ của các đối tác phát triển.
Tại Đối thoại, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định việc thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP là giải pháp cần thiết để vừa thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vừa tận dụng được công nghệ hiện đại từ khu vực tư nhân.
Theo Thứ trưởng, những năm qua, trong quá trình hoàn thiện thể chế về PPP, Bộ KH&ĐT đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của các nhà tài trợ để xây dựng được chính sách, cách làm PPP tương đối bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự có được môi trường đầu tư PPP hấp dẫn để thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, năm 2012, ông được tháp tùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khi đó sang Nhật Bản để trao đổi, mời gọi hợp tác các dự án PPP thực hiện theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg (QĐ71). Các nhà đầu tư Nhật Bản khi đó rất hứng thú với cách tiếp cận PPP theo QĐ71, quan tâm đến dự án PPP tại Việt Nam. 5 năm sau, năm 2017, ông tiếp tục tháp tùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đương nhiệm sang Nhật Bản, khi giới thiệu với doanh nghiệp Nhật Bản về hình thức PPP theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ15), Nghị định 30/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn thể hiện rõ sự quan tâm, mong muốn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức này. “Tuy nhiên, khi nhà đầu tư Nhật Bản đặt câu hỏi đã có dự án PPP nào thực hiện theo NĐ15, thì câu trả lời rất tiếc lại là không”, Thứ trưởng Thắng chia sẻ. Thực tế, đến nay, chưa có một dự án PPP đúng nghĩa nào được thực hiện.
Đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng chia sẻ, các dự án PPP tại Việt Nam là lĩnh vực mà nhà đầu tư Anh rất muốn tham gia. Tuy nhiên, nhà đầu tư Anh vẫn còn e ngại, nhất là về tính nhất quán trong hệ thống pháp luật và minh bạch trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng, đảm bảo sự đầu tư của họ mang lại lợi ích thỏa đáng.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế với dự án PPP tại Việt Nam là rất rõ ràng. Tại cuộc đối thoại này, các đối tác phát triển thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để giúp Việt Nam thúc đẩy chương trình PPP, thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Luật PPP là một sáng kiến tuyệt vời
Theo ông Ousmane Dione, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư theo hình thức PPP, nhưng tiến trình triển khai dự án PPP tại Việt Nam còn chậm. Từ sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế nhưng chưa thể hiện thực hóa bằng các dự án PPP đích thực, các đối tác phát triển đặt rất nhiều kỳ vọng vào Luật PPP.
Đại diện WB đánh giá việc xây dựng Luật PPP trong thời điểm này là một “sáng kiến tuyệt vời” của Việt Nam. Nếu thiết kế tốt Luật PPP, ban hành kịp thời, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội lớn để thực hiện dự án PPP tại Việt Nam.
Không chỉ WB, tại Đối thoại, đại diện các đối tác phát triển như ADB, Keximbank, AFD, JICA, JBIC, USAID… đều thể hiện sự đồng lòng hỗ trợ Việt Nam trong chương trình xây dựng Luật PPP, cho đến việc thực thi Luật về sau.
Ngoài xây dựng Luật PPP, ông Ousmane Dione nhấn mạnh đến việc thực thi chính sách PPP và tầm quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, cũng cho biết, bên cạnh xây dựng Luật PPP, một Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP mang tính dài hạn cũng sẽ đảm bảo sự chỉ đạo nhất quán trong thực hiện PPP tại Việt Nam, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&ĐT mong muốn các nhà tài trợ với nguồn lực tài chính, kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể này.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề xuất, bên cạnh hỗ trợ xây dựng khung pháp lý về PPP, các đối tác phát triển hỗ trợ triển khai dự án PPP cụ thể theo các phương thức PPP hiện đại nhất, để thấy hiệu quả đích thực của hình thức này như thế nào, từ đó có cơ sở hơn khi thuyết phục Quốc hội thông qua Luật PPP.