Cư dân tại Home City bức xúc khi chủ đầu tư bịt lối đi chính, bắt cư dân đi một lối đi phụ không có địa chỉ rõ ràng. |
Sau hơn nửa tháng tranh chấp căng thẳng, sáng 5/3, hàng trăm cư dân mua căn hộ tại dự án Home City đã tập trung diễu hành phản đối chủ đầu là Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính bịt lối đi cổng chính tại địa chỉ 177 Trung Kính. Cuộc “diễu hành” phản đối chủ đầu tư dự án Home City kéo dài từ 9 giờ sáng, khi cư dân cầm băng rôn di chuyển từ sảnh chính tòa nhà, qua lối đi đã bị bịt kín tại địa chỉ 177 Trung Kính, rồi tràn ra đường, gây tắc đường Trung Kính, trước cổng dự án.
Như đã đưa tin trước đó, tại dự án Home City, ngay sau khi về nhận nhà, nhiều cư dân tại đây đã bất ngờ khi chủ đầu tư cho vào một đường, bắt đi ra một đường và hiện tại toàn bộ dân cư phải đi một lối vòng cung khác để đi vào khu căn hộ của mình.
Theo phản ánh của cư dân, khi mua căn hộ tại đây thì toàn bộ giấy tờ liên quan chủ đầu tư đều ghi rõ ràng là 177 Trung Kính nhưng khi nhận nhà xong thì ngay lập tức bịt lối đi và bắt toàn bộ cư dân đi theo đường Nguyễn Chánh không một lời giải thích. Tuy nhiên, đường Nguyễn Chánh lại khá vòng vèo và không có địa chỉ rõ ràng đã gây nhiều phiền hà và bức xúc cho cư dân.
Cách đó vài hôm, vào chiều 24/2, hàng trăm cư dân cụm chung cư CT7 dự án Parkview Residence ở khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest) làm chủ đầu tư đã kéo nhau lên tận trụ sở chủ đầu tư để mong muốn giải quyết thỏa đáng các vấn đề bức xúc…
Theo phản ánh của cư dân tại đây, khi nhận nhà, có rất nhiều căn hộ bị hụt diện tích so với diện tích đã ký trong hợp đồng mua bán. Cư dân ở đây cũng không đồng ý với cách đo diện tích căn hộ từ mép ngoài lô-gia mà chủ đầu tư đang áp dụng.
Cư dân tại đây cũng phản ánh, dù chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người dân nhiều tháng nay, nhiều hạng mục vẫn dở dang như: Hầm chưa kẻ, vẽ hướng dẫn giao thông, chỗ đỗ ô tô - xe máy chưa có hệ thống biển báo, hầm 2 chưa được khai thác. Cùng với đó, nhà cộng đồng của một tòa vẫn đang dang dở, hai tòa còn lại chưa thấy đâu. Vấn đề phí dịch vụ cũng được cư dân phản ánh là cao hơn so với mặt bằng chung của các chung cư cao cấp khác.
Cuộc đối thoại giữa cư dân các tòa H, J và K tại cụm CT7 dự án Parkview Residence ở khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) với chủ đầu tư đã kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ trong ngày 3/3 nhưng vẫn chưa thỏa mãn những bức xúc của cư dân. Trước đó, hai bên cũng đã có nhiều buổi đối thoại nhưng không đi đến được thống nhất.
Tại Hà Nội, không chỉ 2 dự án trên mà ngay từ đầu năm nay đã có hàng loạt dự án trở thành điểm nóng tranh chấp chung cư.
Tại dự án New Horizon City (87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) khá hi hữu khi nhiều khách hàng bức xúc, tố chủ đầu tư tự ý thay đổi màu sơn của dự án. Theo quảng cáo, tòa nhà tại đây sẽ sơn nước sơn màu trắng, đồng bộ màu với dự án của một số dự án lân cận nhưng, đến giai đoạn hoàn thiện, Công ty cổ phần xây dựng và kỹ thuật Việt Nam lại bất ngờ chuyển sang sơn màu vàng.
Mặc dù bị khách hàng phản đối song, những bức xúc của khách hàng đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết thấu đáo.
Mới đây, cư dân dự án CT1 Trung Văn do Vinaconex 3 làm chủ đầu tư sau khi nhận bàn giao căn hộ cũng bức xúc vì nhà vừa bàn giao đã “sập trần” và phát hiện chủ đầu tư dùng phần diện tích chung chuyển đổi thành ki-ốt cho thuê.
Cư dân tại khu biệt thự, liền kề thuộc tiểu khu Botanic của khu đô thị Gamuda Gardens mới đây cũng bức xúc, căng băng rôn “tố” chủ đầu tư cố tình “nhập nhèm” lối đi khi cho phép cư dân khu chung cư được đi lại vào đường thuộc quyền sở hữu của khu biệt thự liền kề. Theo các cư dân, việc cho phép cư dân khu chung cư đi vào phần đất thuộc quyền sở hữu riêng của khu biệt thự, liền kề là vi phạm hợp đồng mua bán đã ký kết.
Hay tại Chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội), thời gian qua, cư dân tại đây liên tục tố chủ đầu tư "chây ỳ" bàn giao phí bảo trì. Theo cư dân tại đây, chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và Ban Quản trị đã họp và thống nhất thời điểm cuối để chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì cũng như hồ sơ dự án, các diện tích sở hữu chung… là ngày 15/2/2017 nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư không hề có động thái gì.
“Ước tính phí bảo trì lên đến 16-20 tỷ đồng. Chủ đầu tư không những không bàn giao mà còn không công bố việc sử dụng khoản tiền này như thế nào nên chúng tôi hoàn toàn bị động. Ban Quản trị đang gửi công văn yêu cầu UBND thành phố, UBND quận cưỡng chế May Thăng Long phải bàn giao như luật định”, đại diện cư dân tại đây cho hay.
Từ năm 2015 trở lại đây, phân khúc căn hộ đã có sự hồi phục nhanh chóng. Nhiều khách hàng xuống tiền mua nhà trong giai đoạn này đều tin tưởng rằng, sau giai đoạn suy thoái, chủ đầu tư sẽ phát triển dự án chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, đến khi nhận bàn giao căn hộ, nhiều khách hàng mới “ngã ngửa” khi thực tế không giống như kỳ vọng và quảng cáo ban đầu của chủ đầu tư.
Đây cũng chính là lý do khiến tranh chấp căng thẳng bùng nổ ở nhiều khu chung cư, dự án. Thậm chí, nhiều chuyên gia lo ngại, trong thời gian tới, khi hàng loạt dự án vào giai đoạn bàn giao, tình trạng tranh chấp có thể tái diễn như giai đoạn những năm 2008-2013.