Bộ Xây dựng nói gì về quy hoạch phân khu nội đô, sông Hồng, sông Đuống?

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải trình, hoàn thiện hồ sơ trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch.
Hà Nội muốn "quay mặt" ra sông Hồng, tạo trục không gian xanh
Hà Nội muốn "quay mặt" ra sông Hồng, tạo trục không gian xanh

Bộ Xây dựng mới đây đã trả lời kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho Thành phố về mặt thời gian khi xem xét thẩm định, trình duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời hỗ trợ về mặt thời gian trong việc thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu nội đô, sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh các Quy hoạch cấp nước, quy hoạch xử lý chất thải rắn; điều chỉnh cục bộ quy hoạch thoát nước.

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng về địa chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.

Do vậy, Bộ Xây dựng luôn dành sự hỗ trợ tốt nhất cho thành phố trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải trình, hoàn thiện hồ sơ trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo kết luận của Hội đồng thẩm định do Bộ Xây dựng chủ trì.

Mới đây, Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 25/2 dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Dự kiến, sau nhiều năm chờ đợi, 6 quy hoạch trên sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong tuần sau để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I/2021.

Còn theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín).

Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).

TP Hà Nội dự kiến trong tháng 6/2021 sẽ cơ bản phê duyệt xong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó, những khó khăn kéo dài chục năm, làm ách tắc các điều kiện đầu tư sẽ được gỡ bỏ để kiện toàn không gian chức năng đô thị, kể cả khu vực trung tâm cũng như khu vực đô thị mới một cách đồng bộ để triển khai hoàn chỉnh quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi bên lề với báo chí tại cuộc họp ngày 11/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng được tiếp cận theo hướng thuận thiên, xây dựng đô thị xanh, không chất tải cao ốc...

"Một điểm nữa là cách tiếp cận khi xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng lần này cũng khác. Trước đây khi thì giao cho đơn vị này, đơn vị kia, thì nay nhà nước làm, không giao cho một doanh nghiệp nào", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Hà Nội, quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội do Thủ tướng phê duyệt năm 2011 (quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011) đến hết nhiệm kỳ vừa rồi mới phủ kín được 86% quy hoạch phân khu. Còn lại 8 quy hoạch khác gồm 6 quy hoạch phân khu của 4 quận nội đô lịch sử, quy hoạch của sông Hồng và quy hoạch sông Đuống. Nếu hoàn thành quy hoạch sông Hồng, sông Đuống và 4 quận nội đô sẽ hoàn thành 100% quy hoạch 1259. Vì quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng bị đình trệ nhiều năm rồi.

Chuyên đề