Bộ Xây dựng lên tiếng về hiện tượng chuyển condotel sang nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Xây dựng cho rằng cần xem xét thận trọng, kiểm soát chặt chẽ các dự án có hiện tượng chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang thành nhà ở.
Theo vị chuyên gia, nếu “hợp thức hóa” các dự án condotel
thành nhà ở sẽ phá vỡ quy hoạch, làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.
Theo vị chuyên gia, nếu “hợp thức hóa” các dự án condotel thành nhà ở sẽ phá vỡ quy hoạch, làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.

Trong báo cáo tổng kết thị trường bất động sản quý 2/2020 vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép.

Ngoài ra còn có 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.

Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng hơn so với quý 1/2020. Cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án, Phú Yên cấp phép 2 dự án.

Liên quan đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản số 276 hồi tháng 1/2020 để chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương một số nội dung liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú.

Trong đó, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các dự án có hiện tượng chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang thành nhà ở và cần xem xét thận trọng, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.

Vấn đề này theo Bộ Xây dựng cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đồng thời phù hợp với khả năng dung nạp dân số, khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực; tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo đó, sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.

Mới đây, nhiều tờ báo cũng đã đưa thông tin về Báo cáo số 548/2020 của Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước đối với dự án căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) từ khâu quy hoạch dự án, cấp phép sử dụng đất, cấp phép xây dựng, đến quản lý kinh doanh, vận hành và quản lý cư trú.

Trong văn bản này, Bộ Công an kiến nghị không nên phát triển thêm các dự án condotel, tourist villa và officetel, không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tán thành kiến nghị của Bộ Công an. Theo vị chuyên gia này, nếu “hợp thức hóa” các dự án condotel thành nhà ở sẽ phá vỡ quy hoạch, làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.

“Đặc biệt điều này làm giảm đi giá trị của cả khu vực được quy hoạch phát triển du lịch, kinh doanh dịch vụ, thương mại và làm giảm nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước”, ông Châu nêu quan điểm.

Chuyên đề