Dù giá bât động sản tăng nhưng thanh khoản trên thị trường kém. |
Người dân bỏ công việc, sản xuất kinh doanh đi buôn đất
Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đang có những biểu hiện của cơn sốt đất ảo, nhà đầu tư cần cảnh giác.
Giá bất động sản trong năm 2020, theo Bộ Xây dựng, có tăng nhẹ, không có hiện tượng trầm lắng, đóng băng, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Trong quý 1 năm 2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, lượng giao dịch bất động sản theo qua theo dõi của Bộ Xây dựng chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý 4 năm 2020. Nhưng giá bất động sản tăng nhẹ, nhà ở chung cư tăng giá từ 5 - 10%.
Đặc biệt giá đất nền có hiện tượng tăng nóng. Cục bộ ở một số địa phương như vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, một số nơi có hiện tượng giá đất nền tăng gấp đôi.
"Nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất kinh doanh để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương", ông Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện trên thị trường xuất hiện các giao dịch bất động sản không đủ các điều kiện pháp lý, nhiều dự án chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã bán hàng, có giao dịch bất động sản là mua bán đất rừng, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển các dự án bất động sản.
Đây là các giao dịch là không đảm bảo yêu cầu pháp lý, tiềm ẩn các rủi ro cho người dân khi đầu tư vào bất động sản.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, có 5 nguyên nhân dẫn tới cơn sốt đất ảo hiện nay. Chẳng hạn, các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch nhưng việc công bố quy hoạch của các địa phương chưa công khai, minh bạch dẫn đến các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng để đẩy giá đất nền lên cao.
Bên cạnh đó, do lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại thấp, không hấp dẫn người dân để gửi tiền, thị trường chứng khoán đạt đỉnh, nên nhà đầu tư, người dân có những nguồn tiền nhàn rỗi chuyển qua mua bán bất động sản.
Thêm nữa, việc đầu tư phát triển các dự án về nhà ở, bất động sản, đô thị còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng còn khó khăn dẫn đến nguồn cung hạn chế.
Thứ đến, đầu tư, phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho đối tượng người nghèo đô thị, công nhân các khu công nghiệp chưa được địa phương quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Cuối cùng, một số địa phương tăng giá đất theo lộ trình, với mức tăng từ 15-20% đã ảnh hưởng đến tâm lý, tác động đến tăng giá bất động sản trên thị trường.
Xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ
Hội môi giới BĐS Việt Nam vừa đưa ra báo cáo quý 1/2021 tại Hà Nội cho thấy, tỉ lệ hấp thụ của căn hộ bình dân đạt cao nhất (44,3%). Mức thấp nhất từ trước tới nay, vì các sản phẩm này được đánh giá nằm ở những khu vực không hấp dẫn. Phân khúc căn hộ có giá bán trên 35 triệu/m2 khó bán và đạt tỷ lệ hấp thụ rất thấp (15,3%). Ở phân khúc cao cấp, xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ của các nhà đầu tư, kể cả một số sản phẩm nằm ở các dự án chất lượng tốt.
Còn phân khúc nhà thấp tầng, mặc dù ít hàng và có nhu cầu lớn nhưng tiêu thụ cũng chỉ đạt mức trung bình (63,6%). Hiện giá ở phân khúc này rất cao, bình quân khoảng 10 tỷ đồng/căn. Do giá bán có xu hướng tăng mạnh nên lượng chào bán lại sản phẩm ở phân khúc này diễn ra khá sôi động.
Báo cáo của Savills tại cuộc họp cho thấy, trong quý 1 vừa qua, lượng căn hộ bán được trên thị trường giảm 29% theo quý và 37% theo năm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ biệt thự, nhà liền kề lại tăng tới 83% theo quý và 232% theo năm.