Bổ sung giá tối đa và tối thiểu với giá dịch vụ hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ những tình huống phát sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua cho đến những tranh luận nổi lên gần đây về việc có nên tiếp tục duy trì bình ổn giá xăng dầu, quy định giá trần hàng không… được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra khi góp ý, thảo luận Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại phiên làm việc sáng 6/4 của Hội nghị ĐBQH chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.

Qua ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4, tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng liên quan và tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, Dự án Luật Giá (sửa đổi) đang nổi lên một số vấn đề như: cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá, trường hợp cần điều chỉnh, giao UBTVQH xem xét, quyết định; cần có biện pháp bình ổn giá và hoàn thiện cơ chế quản lý bảo đảm tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân; lấy ý kiến Nhân dân về sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Các ý kiến góp ý và thảo luận tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách diễn ra sáng ngày 6/4 tiếp tục xoay quanh những nội dung này.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Liên quan đến việc lấy ý kiến Nhân dân về sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đại diện Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho biết, ý kiến của Nhân dân còn nhiều ý kiến đa chiều, tuy nhiên đa số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương (trong đó có Bộ Công Thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam) nhất trí về sự cần thiết của quỹ bình ổn giá và đề nghị giữ quy định về quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Về phía Cơ quan thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu. Thứ nhất, quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp. Thứ ba, thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được quy định tại văn bản dưới luật (Nghị định), do đó, Thường trực Uỷ ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất giữ quy định về Quỹ trong Dự thảo Luật để bảo đảm căn cứ pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi cần thiết thành lập Quỹ, nếu không thì trong trường hợp cần thiết, sẽ không đủ căn cứ để triển khai. Quỹ Bình ổn giá được xem là một trong các biện pháp bình ổn giá và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về việc lập, quản lý, trích lập và sử dụng Quỹ đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

“Do Quỹ này hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường”, Cơ quan thẩm định đề nghị.

Tán thành với quy định trong Dự thảo Luật, nhưng ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) lưu ý, trong quá trình thực hiện cần có sự đổi mới để đảm bảo tính công bằng, minh bạch khi áp dụng Luật.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong Luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Một trong những nội dung của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm tại Phiên họp ngày 6/4 Hội nghị ĐBQH chuyên trách, đó là quy định giá trần dịch vụ hàng không và cảng biển.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, giá dịch vụ hàng không cũng cần có quy định về giá tối thiểu và giá tối đa, để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các hãng hàng không, đảm bảo lợi ích của người dân.

Quan điểm này nhận được sự tán đồng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, việc quy định giá tối đa là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và giá tối thiểu để bảo vệ doanh nghiệp, khi giá về bằng 0 đồng, hay chỉ có 200 - 500 nghìn đồng…, không đủ chi phí bù nguyên nhiên vật liệu, chưa kể khấu hao, tiền lương... "Nếu không, thì những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ dễ bị các hãng hàng không giá rẻ đánh bại, chiếm lĩnh lợi nhuận độc quyền", Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định.

Đây là vấn đề hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến và Bộ Giao thông vận tải bảo lưu quan điểm là cần có vai trò định giá của Nhà nước đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với 5 lý do.

Một là đây vẫn là một dịch vụ thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu bỏ công cụ điều tiết của Nhà nước, thì doanh nghiệp sở hữu những tuyến đường cạnh tranh hạn chế có thể đẩy giá vé lên cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, xã hội...

Hai là dịch vụ có thị trường cạnh tranh hạn chế là thuộc tiêu chí do Nhà nước định giá, không trái với tiêu chí quy định trong Dự thảo. Ba là hiện chưa có đánh giá tác động, nên chưa có đủ căn cứ sửa đổi. Bốn là nhiều hãng hàng không thua lỗ thời gian qua là do nhiều nguyên nhân (đại dịch Covid-19…), mà không phải là do việc định giá trần. Năm là Dự thảo Luật đã điều chỉnh từ quy định khung giá sang giá trần nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh…

Trong khi đó, luồng ý kiến trái ngược cũng đưa ra những lý do để bác bỏ quan điểm nêu trên: việc quy định giá trần là không phù hợp với nguyên tắc thị trường; giá trần do cơ quan quản lý nhà nước quy định trong một số trường hợp là thấp hơn chi phí đầu tư của nhà đầu tư hoặc thấp hơn chi phí đầu vào do giá cả vật tư, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; việc điều chỉnh giá thường chậm, không theo kịp biến động thị trường, gây khó khăn, thua lỗ lớn cho các doanh nghiệp; quy định giá trần nhưng không quy định giá tối thiểu dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh; làm hạn chế doanh nghiệp kinh doanh ở phân khúc chất lượng cao. Ngoài ra, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế; không đảm bảo tính công bằng với các loại hình dịch vụ khác như tàu hỏa, vận chuyển đường bộ (doanh nghiệp được tự định giá và kê khai giá với Nhà nước).

Nhận định đây là một vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống người dân, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể trong trường hợp bỏ giá trần theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở đánh giá khách quan, chính xác sẽ quyết định việc điều chỉnh chính sách để bảo đảm khả thi, hiệu quả, không tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội.

Chuyên đề