Bộ Công Thương thiếu kiểm tra, giám sát, lỏng lẻo trong quản lý xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu được Thanh tra Chính phủ thông báo ngày 4/1/2024, Bộ Công Thương có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong công tác này.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, về cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu và xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối (TNPP) xăng dầu, cơ quan thanh tra chỉ ra, từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm TNPP.

Để được cấp phép, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê từ đơn vị khác từ 5 năm trở lên. Quy định này đã không khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, khiến các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và TNPP chủ yếu thuê kho theo mùa vụ. "Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương", kết luận thanh tra nêu.

Qua thực hiện kiểm tra các điều kiện sau khi cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu và giấy xác nhận đủ điều kiện làm TNPP, cơ quan thanh tra thấy rằng, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thời gian hoạt động không bảo đảm hệ thống phân phối theo quy định. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng,... ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Với khiếm khuyết này, kết luận thanh tra chỉ rõ: "Bộ Công thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối xăng dầu".

Đối với trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), cơ quan thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, vi phạm. Về điều hành BOG, Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, mức chi Quỹ tính cho một đơn vị sử dụng sản lượng bình ổn giá theo quy định; Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định mức trích, mức chi BOG thiếu cơ sở pháp luật.

Việc này dẫn đến Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi từ BOG khi giá nhiên liệu chưa tăng với số tiền hơn 1.142 tỷ đồng và chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá với số tiền 318,137 tỷ đồng. Thêm nữa, tại kỳ điều hành từ ngày 1/1/2017 đến trước 15 giờ ngày 23/4/2018, Liên bộ đã ban hành văn bản không rõ ràng dẫn đến 19/27 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập BOG sai chủng loại xăng Ron 95 với số tiền hơn 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng Quỹ BOG với số tiền khoảng 679,843 tỷ đồng.

Đối với việc quản lý BOG, cơ quan quản lý còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa theo Luật Giá số 11/2012/QH13; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ.

Về quản lý, điều hành xăng dầu cũng có nhiều bất cập đã dẫn đến giá cơ sở xăng dầu không được tính đúng, tính đủ theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác như: chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, và không theo kịp biến động của thị trường nên khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh lỗ. Đây là một trong những nguyên nhân làm gián đoạn nguồn cung xăng dầu.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn chỉ ra, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu có diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ nguyên tắc quy định tại Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong một thời gian dài. Đơn cử, Công ty CP Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp ủy quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải là công ty con và không được phép cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm TNPP; hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ủy quyền cho các công ty con thuộc Tập đoàn được thực hiện ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và tái xuất xăng dầu; hay các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho công ty mẹ, mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối, mua xăng dầu của các TNPP khác...

Từ những khuyết điểm, vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định.

Chuyên đề