Biến động tỷ giá USD/VND trong tầm kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều đồng tiền trên thế giới đã và đang mất giá đáng kể so với đồng USD. Trong khi đó, đồng VND chỉ giảm giá khoảng 2% tính từ đầu năm đến nay. Các tổ chức nghiên cứu và giới chuyên gia dự báo VND sẽ không mất giá nhiều trong năm nay nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và hợp lý.
Dự báo trong nửa cuối năm 2022, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát với mức tăng cả năm khoảng 2,5%. Ảnh: Lê Tiên
Dự báo trong nửa cuối năm 2022, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát với mức tăng cả năm khoảng 2,5%. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 18/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.245 VND/USD, tăng mạnh 20 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá hơn 2% so với USD và là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Số liệu từ Báo cáo Nghiên cứu vĩ mô tháng 7 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, NHNN đã bán ra khoảng 12 - 13 tỷ USD từ đầu năm đến nay, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1/2022. Trong tháng 6, NHNN đã khởi động lại kênh hút tiền thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu. Từ ngày 21/6 đến 1/7, tổng lượng tiền NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu đạt 107,6 nghìn tỷ đồng.

Theo nhóm nghiên cứu của VDSC, trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ là dự trữ ngoại hối và hút tiền trên thị trường mở để tác động lên thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó kiềm chế áp lực lên tỷ giá. VDSC dự báo, trong cả năm 2022, VND chỉ mất giá 2 - 2,5% so với USD.

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam mới đây của Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 23.000 đồng/1 USD vào cuối quý III/2022 và ở mức 22.800 đồng/1 USD vào cuối quý IV/2022. Standard Chartered cho rằng, đồng VND sẽ tăng giá mạnh trong năm sau cùng với đà phục hồi của thặng dư tài khoản vãng lai.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam, đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Diễn biến này tác động bất lợi với cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước.

Mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định. NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá.

Ông Khoa cho rằng, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND có thời điểm biến động mạnh, chủ yếu do đồng USD lên giá, đặc biệt là kể từ tháng 5/2022 khi Fed liên tiếp nâng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, dự báo trong nửa cuối năm 2022, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát với mức tăng cả năm khoảng 2,5% nhờ một số yếu tố. Đó là: mức tăng của đồng USD thời gian tới dự báo không còn quá mạnh như 6 tháng qua; cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ tích cực nhờ cán cân thương mại dự báo thặng dư 4 - 8 tỷ USD trong năm 2022 và dự trữ ngoại hối khá dồi dào ở mức trên 100 tỷ USD; NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường. Dù vậy, theo ông Lực, dù mức biến động của tỷ giá USD/VND không quá lớn song cần theo dõi, bởi đồng USD tăng giá có thể khiến rủi ro về tài khóa tăng do nợ công có thể tăng.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ gặp nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước cân đối cung - cầu ngoại tệ khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thường xuyên bán ròng ngoại tệ cho khách hàng. Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

“Trong 6 tháng cuối năm, xác định bối cảnh thế giới, trong nước có nhiều thách thức, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp. Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, NHNN đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết nhằm bình ổn thị trường và tỷ giá. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán ngoại tệ của các TCTD, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, ông Quang nhấn mạnh.

Chuyên đề