Bị phản ánh thiếu nhạy bén trong điều hành, Bộ Công Thương nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - "Bộ Công Thương làm hết sức, bám sát tình hình trong điều hành giá xăng dầu" - đây là chia sẻ của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương với báo chí liên quan đến thực trạng đứt đoạn nguồn cung, khan hiếm hàng trên thị trường xăng dầu những ngày qua.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cung cấp thêm thông tin về điều hành xăng dầu (ảnh: LB)

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cung cấp thêm thông tin về điều hành xăng dầu (ảnh: LB)

Bám sát trong điều hành

Cung cấp thêm thông tin về việc điều hành xăng dầu khi có một số ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương đã thiếu nhạy bén, linh hoạt trong công tác tham mưu điều hành xăng dầu dẫn tới tình trạng nêu trên, ông Đông cho biết, ngay khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có báo cáo về việc giảm công suất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo gửi các đơn vị liên quan để nắm nguồn và bổ sung nguồn; chỉ đạo thương nhân đầu mối tăng nhập khẩu. Đồng thời, Bộ đã làm việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn cũng như có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra các kiến nghị trong điều hành.

“Ngày 28/1/2022, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, phân tích rõ tình hình thế giới, tình hình trong nước, đồng thời đưa ra 4 kiến nghị, trong đó có 1 kiến nghị là cho phép Bộ lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp cho kỳ điều hành tới (theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP). Tức là Bộ đã nắm kỹ tình hình để tham mưu”, ông Đông cho biết.

Với tình hình như vậy, Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ dự đoán được nguồn cung sẽ gián đoạn, bị ảnh hưởng cũng như đoán được tình hình giá xăng dầu thế giới sẽ tăng rất mạnh trong thời gian nghỉ Tết. Một trong những biện pháp giảm áp lực phần nào cho người dân, doanh nghiệp thời gian này chính là điều hành sớm để giá trong nước bám sát giá thế giới, tạo nguồn cung tốt hơn. Đây là kiến nghị, nhưng quan điểm điều hành của Chính phủ, Liên Bộ bao giờ cũng phải là hài hòa lợi ích, bình ổn giá trong thời gian đặc biệt nhạy cảm này.

“CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%, lạm phát cơ bản tăng 0,66%. Trong khi đó, yếu tố về giá xăng dầu lúc đó cấu thành trong CPI rất cao nên trong điều hành, Chính phủ, Liên Bộ rất cân nhắc vấn đề này để hài hoài lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như mục tiêu kiểm soát vĩ mô”, ông Đông chia sẻ và cho biết, điều hành sớm mà giảm giá thì không sao nhưng điều hành sớm mà tăng giá cũng gặp phải dư luận rất lớn trong bối cảnh giá cả dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

"Nghị định số 95/2021/NĐ-CP có quy định trong trường hợp biến động thị trường, giá ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội thì Liên Bộ báo cáo Thủ tướng, cho phép điều hành sớm hơn, chứ không nhất thiết phải chờ tới đúng chu kỳ điều hành là 10 ngày. Đây là phương án được tính tới nhưng trong điều hành, chúng tôi cũng tránh tạo tiền lệ sau này", ông Đông cho biết.

Vừa qua, Bộ Công Thương bất ngờ kiểm tra và phát hiện cây xăng “có hàng nhưng không bán” (Ảnh: moit)

Vừa qua, Bộ Công Thương bất ngờ kiểm tra và phát hiện cây xăng “có hàng nhưng không bán” (Ảnh: moit)

Xử lý nghiêm doanh nghiệp găm hàng chờ tăng giá

Thông tin về dự trữ của 2 nhà máy lọc dầu, ông Đông chia sẻ, trước đây Nghị định số 83/2014/NĐ-CP không có quy định về trách nhiệm dự trữ đối với nhà máy lọc dầu, nhưng Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định các các nhà máy lọc dầu cũng phải dự trữ dầu thô và xăng dầu thành phẩm.

Trước phản ánh một số cửa hàng xăng dầu còn hàng nhưng không bán, ông Đông nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi găm hàng không muốn bán với tâm lý chờ tăng giá mới bán.

Tuần trước, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp, địa phương. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công văn gửi các tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo Quản lý thị trường địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu. Trường hợp nếu qua kiểm tra, phát hiện có hành vi găm hàng chờ tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm.

"Cũng phải nhìn nhận, việc găm hàng chờ tăng giá chỉ xảy ra ở một bộ phận doanh nghiệp, chứ không phải tất cả. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn làm tốt việc dự trữ, tuân thủ các điều kiện kinh doanh mặt hàng này", ông Đông cho biết.

“Bộ khẳng định tổng nguồn cung đầy đủ cho tổng cầu của nền kinh tế”, ông Đông cho hay. Tuy nhiên, ông Đông cũng cho rằng, không thể tránh khỏi tình trạng thiếu hụt cục bộ như vừa qua, song thực tế, tình hình đang được khắc phục ngày càng tốt hơn. Hy vọng, thời gian sớm sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng này.

Trước một số câu hỏi của báo chí về việc tổng thể Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đơn vị âm, dư địa cho điều hành tới đây sẽ thế nào, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: "Quỹ này cũng có hạn, nên nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể vượt 100 USD/thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như: thuế, phí. Bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hoá một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành".

Chuyên đề