Bảy nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Công Thương, có 7 nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài và cả bên trong khiến sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu suy giảm trong quý I/2023.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trong đó, 3 nguyên nhân từ các yếu tố bên ngoài, gồm: giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) trong nước; lạm phát vẫn còn ở mức cao, kinh tế thế giới hồi phục chậm; Trung Quốc mở cửa trở lại tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Từ bên trong có 4 nguyên nhân chính là: sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất; sức ép lạm phát, lãi suất cao; DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023. Công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Chuyên đề