Bất động sản sẽ đóng băng vào năm 2017?

"Số dự án BĐS chết, què quặt còn quá nhiều. Doanh nghiệp và chính quyền cần có giải pháp cho bài toán này”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA lên tiếng. Nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường bất động sản có thể sẽ “đóng băng” vào năm 2017 hoặc năm 2018

"Điều vô cùng tai hại..." 

Chiều 18/1, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015 và dự báo 2016. Nhiều doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS đã thẳng thắng nêu ra những triển vọng và bất cập trong lĩnh vực đang được cho là hấp dẫn, sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Nhiều doanh nhân hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cùng đưa ra nhận định, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang rất mạnh. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn, lớn hơn cả Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), lòng tin của người tiêu dùng đang hồi phục, các ngành sản xuất kinh doanh thương mại đang phát triển. Nếu biết phát huy những lợi thế này thì sẽ là “cú hích” cho thị trường BĐS TPHCM “cất cánh”. 

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thì thị trường BĐS năm 2016 sẽ tiếp tục đà phục hồi và chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS. Ông Châu đề nghị các doanh nghiệp cần theo dõi các nhân tố bất ổn để có giải pháp xử lý kịp thời. 

Bên cạnh những thông tin và nhận định lạc quan về triển vọng thì trường BĐS năm 2016 thì các doanh nhân cũng chỉ rõ sự “lệch pha” của thị trường và phập phồng nỗi lo đóng băng vào năm 2017. 

Số liệu từ HoREA cho biết, TPHCM hiện có 1.409 dự án, trong đó đã có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm hơn 41% tổng số dự án. 

“Đây là “phần chìm” của “tảng băng” hàng tồn kho trên thị trường BĐS. Số dự án BĐS chết, què quặt còn quá nhiều. Doanh nghiệp và chính quyền cần có giải pháp cho bài toán này”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA nói. 

Cũng theo ông Đực, thành công của thị trường BĐS năm 2015 là nhờ dòng sản phẩm dưới 1 tỷ đồng/căn. Hiện nay các doanh nghiệp đang mải mê với phân khúc căn hộ cao cấp. Điều này là vô cùng tai hại. Những người mua để đầu tư, chờ lên giá bán cho lại người khác sẽ tung ra thị trường một lượng hàng “khủng” trong năm 2017. Đó là chưa kể năm 2017, 2018 các công ty cũng sẽ tung ra khoảng 60.000 căn hộ, trong khi dự báo chỉ bán được 30.000 căn. 

Ông Đực đề nghị chính quyền TPHCM cần quan tâm, điều tiết để có những căn hộ dưới 1 tỷ đồng và dòng căn hộ giá dưới 300 triệu cho công nhân, người lao động như cách mà tỉnh Bình Dương đang làm.

Nhiều biệt thự bỏ hoang, làm nhà ở của chim yến

Nghịch lý!

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, nhân tố bất ổn đang tồn tại trong thị trường BĐS có thể kể đến như 70% doanh nghiệp tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp trong khi nhu cầu nhà ở thật nhiều nhất lại là phân khúc dưới 1 tỉ đồng/căn hộ. Những dự án chưa thi công, thi công chậm đang thu hút nhà đầu tư, ngược lại những dự án hoàn thành lại giảm người mua. Nguyên nhân của “nghịch lý” này là do người mua để đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời nhiều hơn là mua để ở. Từ đó, ông Nghĩa cho rằng, thị trường BĐS có thể sẽ “đóng băng” vào năm 2017 hoặc năm 2018.

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, hiện những quy định về BĐS hình thành trong tương lai mỗi nơi hiểu một cách. Vì thế, để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững thì cần minh bạch và thực hiện đồng bộ những quy định về BĐS.

Nữ luật sư này kể rằng, cách đây vài ngày, bà đi làm thủ tục pháp lý cho khách hàng, khi xuống dự án thì bà nhận thấy có hàng trăm căn biệt thự đang là nhà ở của chim yến. Từ đó, bà Hòa bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hãy quan tâm hơn đến phân khúc bình dân để người nghèo, công nhân có nơi an cư.

“Nhu cầu nhà ở của người nghèo thì nhiều còn nhu cầu ở phân khúc căn hộ trung bình, cao cấp thì không nhiều đâu. Làm sao xây nhà giá thấp để cho thuê và nhà nước nên quan tâm để làm sao người nghèo thuê nhà giá thấp”, luật sư Trương Thị Hòa nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư