Bất động sản nhà ở sẽ sôi động trở lại trong 6 tháng cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong kịch bản thị trường hồi phục vào 6 tháng cuối năm nay, bất động sản nhà ở được xem là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM mở bán, chủ yếu ở phân khúc trung cao cấp và cao cấp. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM mở bán, chủ yếu ở phân khúc trung cao cấp và cao cấp. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Nếu quý I/2021 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản thì giữa quý II/2021, làn sóng Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến nền kinh tế toàn quốc nói chung và thị trường bất động sản nói riêng lâm vào tình cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần này cũng chính là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đem đến cơ hội chứng minh giá trị và thực lực của những sản phẩm bất động sản chất lượng từ các nhà phát triển uy tín, có tiềm lực tài chính vững chắc trên thị trường.

Chuyên gia bất động sản Sử Ngọc Khương cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM mở bán, chủ yếu ở phân khúc trung cao cấp và cao cấp. Ở các tỉnh thành lân cận, bao gồm Bình Dương, cũng rời vào tình trạng tương tự.

Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.

Với tình trạng thắt chặt kiểm soát y tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

Tổng giám đốc của một công ty lớn đang triển khai dự án ở khu Nam TP.HCM cho hay, đối với những sản phẩm không phù hợp, trong điều kiện kinh tế hiện nay, sẽ khó để thị trường hấp thụ sản phẩm. Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường, thì sẽ “sống sót”.

Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh bùng phát. Dù việc thực hiện mục tiêu kép là vừa kiểm soát dịch bệnh và vừa tăng trưởng kinh tế có kết quả, tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn.

Vì vậy, từ nay đến cuối 2021, các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Mặt khác, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản.

Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn không thể đại diện cho toàn bộ thị trường bất động sản nhà ở, căn hộ trong nước.

Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế. Dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường bất động sản nhà ở trong nước.

Trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, đa phần các chuyên gia và chủ đầu tư đều cho rằng, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Dù giá bất động sản trên thị trường có sụt giảm như giai đoạn 2009 - 2010, có những khu vực bị rớt giá từ 20 - 30% trong giai đoạn khó khăn, thì phân khúc căn hộ để ở vẫn là tâm điểm nóng nhất, sở hữu sự săn đón của nhiều nhà đầu tư với xu hướng giá bất động sản liên tục tăng theo thời gian.

Mỗi nhà đầu tư đều có nhu cầu khác nhau, kì vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư.

Chuyên đề