Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục trầm lắng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các loại hình sản phẩm liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng gồm biệt thự, nhà phố/shophouse, condotel đang tiếp tục đối diện với muôn vàn khó khăn khi thanh khoản thấp, hàng tồn kho cao, khiến nhiều chủ đầu tư đuối sức.
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục trầm lắng

Diễn biến mới nhất về thanh khoản của thị trường bất động sản trong tháng 8/2023 trên phạm vi cả nước có nhiều bất lợi bởi thị trường tiếp tục trầm lắng và nguồn cung mới vẫn trong xu hướng giảm từ cuối quý II/2022 đến nay.

Từ trước đến nay, phân khúc condotel thường có tệp khách hàng đông nhất do có giá cả vừa phải, phù hợp với túi tiền của nhiều người, thì nay cũng thưa dần. Theo bộ phận R&D của DKRA Group, sức cầu thị trường của phân khúc này trong tháng 8 vẫn còn khá thấp, chỉ tương đương 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Một công ty môi giới đang bán sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất… được áp dụng rộng rãi nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, song thị trường vẫn duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài.

“Nguồn cung condotel tháng vừa qua ghi nhận sụt giảm hơn 75% so với tháng trước và giảm hơn 77% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Riêng miền Trung tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mở bán mới. Bối cảnh kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, du lịch chưa hồi phục như kỳ vọng, chính là những yếu tố khiến tình hình giao dịch kém khả quan”, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group cho biết.

Khi thị trường lao dốc, sản phẩm bất động sản có giá trị lớn càng khó giao dịch. Tình trạng này đang diễn ra với biệt thự nghỉ dưỡng, khi lượng tiêu thụ tháng 8 vừa qua chỉ bằng 15% so với cùng kỳ, dù nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40 - 50%. Một vài giao dịch trong tháng tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có mức giá tương đối mềm, dưới 10 tỷ đồng/căn. Giá bán sơ cấp không biến động so với tháng trước.

Trầm lắng nhất có lẽ là nhà phố/shophouse, bởi cùng thời gian với hai phân khúc condotel và biệt thự, nhưng theo DKRA Group, nguồn cung mới lại giảm xấp xỉ 99% so với cùng kỳ và tập trung cục bộ tại khu vực miền Nam. Riêng miền Bắc và miền Trung vẫn vắng bóng dự án mở bán mới. Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ còn hạn chế, bằng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Sự ảm đạm của thị trường cùng với đó là tốc độ phục hồi du lịch chưa đạt kỳ vọng khiến thanh khoản thị trường khá thấp.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho hay, trong quý II/2023, phân khúc liền kề, shophouse có mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với quý trước và cùng kỳ năm trước, hiện tại vẫn dao động từ 6,1 - 16,3 tỷ đồng/căn liền kề, shophouse tùy diện tích từng căn và từng khu vực.

Cụ thể như: Dự án Kim Long City (đường Nguyễn Sinh Sắc, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có giá bán khoảng 96,75 triệu đồng/m2; Dự án The Tropicana, Novaworld Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) có giá bán khoảng 69,44 triệu đồng/m2.

Riêng phân khúc condotel cũng đang gặp tình trạng thanh khoản chững lại, hầu hết các dự án ít phát sinh giao dịch. Lũy kế đến hết quý II/2023 có khoảng 700 căn tồn kho. Mặt bằng giá sơ cấp có xu hướng giảm 3 - 6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn lượng giao dịch tập trung vào những dự án đã bàn giao nhà, có pháp lý hoàn thiện với mức giá bán khoảng từ 1,5 - 5 tỷ đồng/căn tùy diện tích từng căn và từng khu vực.

Một số dự án trong diện này có thể kể đến như: The Sang Residence (Đà Nẵng) với giá bán khoảng 49 triệu đồng/m2; Vinpearl Beach Front Condotel (Nha Trang, Khánh Hòa) với giá bán khoảng 30,12 triệu đồng/m2; Dự án Flamingo Biển Hải Tiến (Thanh Hóa) với giá bán khoảng 47 triệu đồng/m2.

Đánh giá tình hình thị trường của những tháng tới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, tuy nguồn cung và sức cầu của bất động sản nghỉ dưỡng có sự hồi phục nhưng không đáng kể. Điều này cho thấy, sự khó khăn của các chủ đầu tư trong lĩnh vực này ở phía trước vẫn còn nhiều, khi dòng tiền thu từ bán hàng không được bao nhiêu, trong khi sản phẩm tồn kho ngày càng tăng.

Tại các hội thảo về bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ, khi thị trường địa ốc đi xuống, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc thường có ảnh hưởng nặng nề nhất, vì trong khó khăn, khách hàng sẽ cắt giảm mạnh vào các khoản đầu tư có giá trị tài sản lớn nhưng không thiết thực với bối cảnh nhiều người đang “thắt lưng buộc bụng”.

Do đó, ngoài việc chờ đợi sự hồi sinh của toàn thị trường, các chủ đầu tư cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp, thanh toán linh hoạt, giãn tiến độ, hỗ trợ lãi suất tốt để tăng kích cầu. Càng “sân si” với thị trường và khách hàng lúc này, chủ đầu tư càng khổ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư