Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục ì ạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn (condotel) tiếp tục được dự báo không mấy lạc quan trong bối cảnh chung của thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua vẫn chưa ghi nhận tín hiệu phục hồi dù ngành du lịch có nhiều khởi sắc
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua vẫn chưa ghi nhận tín hiệu phục hồi dù ngành du lịch có nhiều khởi sắc

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua vẫn chưa ghi nhận tín hiệu phục hồi dù ngành du lịch có nhiều khởi sắc. Đây là lý do khiến phân khúc này đang có chiều hướng ì ạch trong khi các phân khúc khác đang dần ấm lại.

Theo số liệu vừa công bố của DKRA Group, tại phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Đáng lưu ý, khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục chiếm phần lớn nguồn cung toàn thị trường.

Nhiều đơn vị môi giới cho hay, dù các chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc vẫn được nhiều chủ đầu tư áp dụng rộng rãi để gia tăng thanh khoản, nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà. Điều này làm cho mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang.

Phản ánh rõ nét nhất thực trạng này chính là sức cầu chung thị trường trong quý III/2024 ở mức thấp, khi lượng tiêu thụ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

“Đã qua rồi thời những sản phẩm 1 - 2 triệu USD bán trong nháy mắt. Bây giờ, phần lớn giao dịch tập trung cục bộ ở những dự án quy mô lớn có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn, pháp lý hoàn thiện và tiến độ thi công đảm bảo”, Tổng giám đốc một công ty chuyên phân phối sản phẩm phân khúc này nhận định.

Tương tự, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong quý vừa qua cũng có hơn 94% nguồn cung sơ cấp đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Sự khó khăn về tài chính và thị trường đã buộc nhiều chủ đầu tư không dám đổ tiền vào triển khai xây dựng dự án trong lúc này mà phải chờ đợi thời cơ mới.

Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Group, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp.

Minh chứng là, sức cầu chung thị trường giảm hơn 71% so với cùng kỳ. Giao dịch tập trung ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá bán dao động từ 8 - 10 tỷ đồng/căn. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng chững lại.

Riêng phân khúc condotel, nguồn cung sơ cấp quý III/2024 giảm 26% với quý trước, nhưng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023, song phần lớn cũng đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ.

Trong khi đó, những dự án sơ cấp khác hầu hết đều có tình hình bán hàng chậm hoặc đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch. Giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án quy mô lớn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn.

“So với hai phân khúc trên, phân khúc này sức cầu thị trường dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2019. Lượng tiêu thụ trong quý chủ yếu đến từ 1 dự án ở Khánh Hòa, chiếm 71% tổng lượng tiêu thụ cả nước”, ông Võ Hồng Thắng chia sẻ.

DKRA Group dự báo, từ đây đến hết năm 2024, nguồn cung condotel và biệt thự nghỉ dưỡng tăng nhẹ so với quý III, dao động khoảng 200 - 300 căn đối với condotel tập trung chủ yếu ở Bà Rịa - Vũng Tàu và 100 - 150 căn biệt thự nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh.

Tuy nhiên, nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không có nhiều biến động so với quý III. Sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm dự kiến kéo dài đến hết năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong ngắn hạn.

Chuyên đề