Bất động sản miền Trung: Nháo nhào chạy theo tin đồn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi các nhóm môi giới lên kịch bản “thổi” giá đất ở Đà Nẵng vừa bị chặn đứng, thì ở Quảng Ngãi, người dân lại đổ xô đi gia hạn sử dụng đất nông nghiệp, gây ra tình trạng quá tải. Điều đáng chú ý là tất cả đều xuất phát từ tin đồn thất thiệt.
Người dân tại thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đổ xô đến gia hạn sử dụng đất nông nghiệp khiến bộ phận một cửa quá tải
Người dân tại thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đổ xô đến gia hạn sử dụng đất nông nghiệp khiến bộ phận một cửa quá tải

Nửa đêm đi gia hạn đất nông nghiệp ở Đức Phổ

Sau khi tỉnh Quảng Ngãi đề xuất lên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc chuyển mục đích sử dụng số diện tích lớn đất nông nghiệp tại huyện Đức Phổ để bàn giao cho Nhà nước làm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, nhiều tình huống bất ngờ đã xảy ra. Đó là người dân nghe tin đồn thất thiệt về việc không gia hạn sử dụng đất nông nghiệp sẽ bị Nhà nước thu hồi, cộng với việc huyện Đức Phổ lên thị xã, những thửa đất có thay đổi nên đã đổ xô đến Trung tâm hành chính thị xã Đức Phổ để làm thủ tục gia hạn sử dụng đất đai bất kể ngày, đêm.

Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, phần lớn người dân đến bộ phận hành chính “một cửa” làm giấy tờ đất. Đông nhất là các hộ dân có đất liên quan đến Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông... vì tin theo lời “cò”, lo lắng không làm lại giấy tờ đất sẽ bị thu hồi, không được đền bù. Người này truyền tai người kia đi muộn sẽ không kịp làm giấy tờ nên từ chỗ xếp hàng lúc 5h sáng, nay người dân chen lấn, lũ lượt đến ghi danh, bốc số làm thủ tục đất đai từ… 1h đêm, gây mất trật tự.

Ông Nguyễn Hoàng Chí Công ở thị xã Đức Phổ đã có 4 lần đến làm thủ tục gia hạn sử dụng đất. Ông Công chia sẻ, người tới trước ghi danh, người tới sau xé tờ giấy ghi danh, ghi lại tờ khác đảo ngược danh sách. Trượt 3 lần rồi nên ông Công quyết định đến làm thủ tục đất đai từ đêm. “Lần đầu tôi đi lúc 4h sáng, tới ghi danh số 70. Lần 2 tôi đi lúc 3h thứ tự là 56. Lần 3 tôi đi lúc 2h30 ghi số 43 cũng không kịp bấm số. Lần này tôi đi lúc 1h, ghi số 14 mới được giải quyết và nhận giấy hẹn”.

Đại diện Văn phòng UBND thị xã Đức Phổ (đơn vị trực tiếp quản lý bộ phận một cửa) cho rằng, nguyên nhân người dân đến làm thủ tục đất đai bất kể ngày đêm xuất phát từ tin đồn. “Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không có chuyện không gia hạn kịp giấy tờ sử dụng đất sẽ bị thu hồi, nhưng người dân vẫn đổ xô đi làm thủ tục gia hạn”, vị đại diện này cho hay.

“Thổi” giá, tạo “sóng ảo” trên thị trường bất động sản là hiện tượng phổ biến thời gian qua, người dân phải cảnh giác, tránh “ôm bom” khi giá đất bị đẩy lên quá cao.

Ông Nguyễn Quang Trung, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã tăng cường nhân lực về địa phương, một mặt hỗ trợ giải quyết thủ tục đất đai, mặt khác tuyên truyền tại chỗ cho người dân là quyền sở hữu và sản xuất đất nông nghiệp sẽ không bị thu hồi. “Những hộ dân nào sắp hết hạn thuê đất của Nhà nước thì nên gia hạn, những gia đình còn hạn sử dụng thì cứ từ từ làm, giãn ra để bộ phận chức năng xử lý kịp thời, tránh quá tải”, ông Trung khuyến cáo.

Đẩy lùi “sốt đất” ở huyện Hoà Vang

Tại Tổ một cửa xử lý các thủ tục hành chính huyện Hoà Vang, một tuần sau khi Sở TN&MT TP. Đà Nẵng ra công văn cảnh báo về chiêu trò “thổi” giá đất, nhịp làm việc đã trở lại bình thường. Ông Trần Văn Liên, Phó Chánh văn phòng HĐND, UBND Huyện cho biết, huyện Hoà Vang vài năm trở lại đây luôn là “điểm nóng” liên quan đến các thủ tục đất đai và luôn bị động bởi những đợt “sốt đất” bất ngờ ập đến.

Tháng 3/2019, chính quyền huyện Hòa Vang cảnh báo tình trạng “sốt đất” ảo trên địa bàn khi nhiều lô đất là những bụi tre, chưa có đường sá được "cò" thổi giá lên cả tỷ đồng. Giá đất ở huyện này sau đó chững lại.

Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, người dân dồn dập kéo đến làm thủ tục đất đai khiến Tổ một cửa luôn quá tải. Nguyên nhân theo UBND huyện Hoà Vang là do TP. Đà Nẵng cấp phép làm nông nghiệp kết hợp du lịch khiến nhà đầu tư “lầm tưởng” cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất du lịch, dịch vụ nên đổ tiền mua đất nông nghiệp; môi giới “lập đội” tự giao dịch và “thổi” giá đất vùng nông thôn Hòa Vang để thu lời từ “lướt sóng”… Chỉ đến khi cơ quan quản lý nhà nước có khuyến cáo về việc người dân đừng tin vào tin đồn thất thiệt kẻo “tiền mất, tật mang” thì số lượng người đến làm thủ tục đất đai mới giảm.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản tại Đà Nẵng đánh giá, việc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đưa ra cảnh báo nói trên là cần thiết để các nhà đầu tư, đặc biệt là người dân địa phương tránh rơi vào bẫy của những người đầu tư, môi giới theo nhóm. Theo ông Lập, “thổi” giá, tạo “sóng ảo” trên thị trường bất động sản là hiện tượng phổ biến thời gian qua, các chiêu trò vẫn xuất hiện khắp nơi nên người dân phải cảnh giác, tránh “ôm bom” khi giá đất bị đẩy lên quá cao.

Chuyên đề