Bất động sản Đồng Nai tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Với kế hoạch phát triển hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, thị trường bất động sản Đồng Nai được dự báo sẽ tiếp tục dậy sóng trong thời gian tới.

Sự phát triển của hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng cho sự đột phá của thị trường bất động sản ở Đồng Nai
Sự phát triển của hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng cho sự đột phá của thị trường bất động sản ở Đồng Nai

Giao thông phát triển đồng bộ

Đồng Nai là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của Đồng Nai đạt gần 103,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy do ảnh hưởng của Covid-19 nên đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng so với khu vực Đông Nam Bộ và cả nước thì Đồng Nai vẫn tăng trưởng khá cao.

Chính vì triển vọng và tiềm năng phát triển to lớn đó nên thời gian qua và cả hiện nay, Đồng Nai - một trong những đô thị vệ tinh của TP.HCM - được thừa hưởng cũng như tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp, mở rộng và phát triển các dự án mới nhằm giảm áp lực giao thông đồng thời tăng tính kết nối liên vùng như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết; đường Vành đai 3, Vành đai 4; metro sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành…

Đặc biệt, để tương xứng với tốc độ phát triển của Đồng Nai và phát huy tốt vai trò vùng kinh tế trọng điểm, hiện cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư mở rộng. Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2030, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở rộng 8 - 10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe.

Được biết, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, là một trong những tuyến đường quan trọng giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với các vùng Đồng Nam Bộ và Tây Nguyên. Hiện tuyến đường này đã quá tải, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe (lễ, Tết 60.000 lượt xe), trong khi thiết kế chỉ đáp ứng được 44.000 lượt xe.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ chi tiết để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự tính ban đầu, tổng chiều dài toàn tuyến là 65,3 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai (34,2 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (31,1 km), được đầu tư xây dựng với quy mô từ 4 - 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ giải tỏa thế “độc đạo” của Quốc lộ 51 theo hướng lưu thông về sân bay quốc tế Long Thành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, cùng với sự hình thành của sân bay quốc tế Long Thành, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đã tạo ra mạng lưới kết nối hoàn hảo giữa Đồng Nai với các tỉnh thành lân cận, góp phần quan trọng cho sự phát triển đột phá của thị trường bất động sản khu vực mà Long Thành chính là tâm điểm.

Điểm đến của nhà đầu tư

Trong vài năm trở lại đây, hoạt động giao dịch bất động sản tại Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung diễn ra nhộn nhịp, không chỉ thu hút sự đầu tư của người dân địa phương, các khu vực lân cận như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… mà cả những khách hàng ở xa. Không chỉ thuần túy là đầu tư, nhiều người còn xem đây là món tài sản để tích lũy lâu dài nên những sản phẩm đất nền, nhà phố của các chủ đầu tư uy tín và được đầu tư bài bản luôn được ưa chuộng.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết: “Sở dĩ có nhiều người thích đầu tư bất động sản vì họ luôn tin rằng giá bất động sản không đi xuống, trừ một số dự án chung cư không được quản lý, bảo trì tốt. Trong khi đó, vàng lên xuống theo thời điểm, gửi tiền ngân hàng bao giờ cũng bị mất giá”.

Với lợi thế trên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển hướng về đây tìm kiếm quỹ đất và phát triển những dự án mới. Những đô thị hiện đại, trung tâm thương mại - dịch vụ, khu vui chơi - giải trí - ẩm thực mọc lên ngày càng nhiều và sầm uất hơn đã làm thay đổi diện mạo địa phương.

Những dự án lớn đã làm cho Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung ngày càng thay đổi diện mạo

Những dự án lớn đã làm cho Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung ngày càng thay đổi diện mạo

Ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh cho biết, gần đây khi Kim Oanh đưa Dự án Century City ra thị trường, do giữa tâm bão của Covid -19 nên lúc đầu cũng không khỏi e ngại, song 500 sản phẩm đã được khách hàng đặt cọc thành công ở cuối cùng giai đoạn 1.

Từ kinh nghiệm quý báu này, ông Lê Tiến Vũ dự báo, tới đây Kim Oanh tiếp tục thành công khi giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm mới thuộc phân khu Century Garden, có giá bán chỉ từ 15,7 triệu đồng/m2, thanh toán kéo dài 15 tháng, ngân hàng OCB hỗ trợ 75% giá trị sản phẩm cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn khác.

Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định” tổ chức sáng 25/8/2020 ở TP.HCM, nhiều chủ đầu tư cũng như chuyên gia bất động sản khá đồng tình khi cho rằng, trong thời điểm khó khăn do Covid-19, cơ hội đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều, nhất là bất động sản vừa túi tiền. Bởi suy cho cùng, đây vẫn là kênh trú ẩn an toàn nhất nếu so với vàng hay chứng khoán, thậm chí cả gửi tiền ở ngân hàng.

Theo tìm hiều của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều tên tuổi lớn đang “đổ bộ” vào Đồng Nai nói chung và Long Thành nói riêng thời gian qua. Trong số đó có thể kể đến Tập đoàn Đất Xanh với Khu đô thị thương mại giải trí Gem Sky World; Tập đoàn Novaland với Dự án Aqua City; Tập đoàn Hưng Thịnh với Dự án Biên Hòa New City… Những thành công của các ông lớn này không phải tự nhiên mà có, mà đó là cả một quá trình đón đầu và nhìn xa trông rộng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ: “Con số thực tế dòng sản phẩm của chúng tôi trong vòng 5 năm qua là giá đất tăng khoảng 5 lần, giá nhà tăng 3 lần. Một trong những yếu tố nhà đầu tư khi đầu tư bất động sản là dựa trên kinh nghiệm đầu tư và kỳ vọng về lợi nhuận tăng trưởng tương đối tốt. Cho dù có một vài thời điểm chững lại trong ngắn hạn, song về dài hạn lại mang đến kỳ vọng đầu tư tốt hơn các kênh đầu tư khác”.

Chuyên đề