Bất động sản công nghiệp miền Trung: Bừng lên những cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các đại dự án hạ tầng giao thông đường bộ mang tính chiến lược quốc gia đang được đầu tư; sân bay, cảng biển được cải tạo, nâng cấp và xây mới kết nối liên hoàn, đồng bộ, xuyên suốt đang mở rộng tiềm năng và cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp (BĐSCN) của các tỉnh miền Trung. Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) mới đang được đầu tư xây dựng bên cạnh các KCN hiện hữu.
Khu công nghiệp THACO Chu Lai phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhờ kết nối hạ tầng đồng bộ, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh Quảng Nam
Khu công nghiệp THACO Chu Lai phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhờ kết nối hạ tầng đồng bộ, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh Quảng Nam

Nhiều khu công nghiệp mới ra đời

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nguyên Trưởng nhóm tư vấn vùng miền Trung cho rằng, BĐSCN miền Trung đã phát triển từ gần 20 năm trước. Đó là khi các KCN ven biển (nay là các khu kinh tế - KKT) được Chính phủ cho phép thành lập để khai thác lợi thế cảng nước sâu và mặt tiền biển như: KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), KKT Chu Lai (Quảng Nam), KKT Nhơn Hội (Bình Định), KKT Phú Yên. Các KKT này đã phát huy vai trò là hạt nhân thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn như: Formosa, Lọc dầu Dung Quất, Hòa Phát - Dung Quất, Doosan-Vina; loạt dự án điện gió, điện mặt trời tại KKT Nhơn Hội…

Nhưng BĐSCN tại miền Trung thực sự khẳng định giá trị khi dịch Covid-19 bùng phát. “Thời điểm này, các nhà máy, công xưởng vẫn hoạt động và xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển vẫn diễn ra, thậm chí kim ngạch xuất khẩu những năm có dịch bệnh cao hơn thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát”, ông Trần Du Lịch phân tích. Từ đây, BĐSCN bắt đầu được nhiều nhà đầu tư săn đón, các địa phương cập nhật và thực hiện quy hoạch mới trong kế hoạch sử dụng đất để kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào các KCN.

Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, BĐSCN đem lại nhiều giải pháp đầu tư cho cả doanh nghiệp và địa phương. Với nhà đầu tư, BĐSCN là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền, là “gà đẻ trứng vàng”. Đối với địa phương, phát triển BĐSCN là cơ hội khai thông nguồn lực đất đai, thu hút đầu tư, đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tại khu vực miền Trung, trong khoảng 2 năm trở lại đây, có 7 KCN mới được đầu tư. Đó là KCN Hàm Kiệm I, diện tích 132,67 ha tại tỉnh Bình Thuận. Dù đang xây dựng hạ tầng, nhưng Hàm Kiệm I đã thu hút được 13 nhà đầu tư thứ cấp. Bình Thuận còn có KCN Sơn Mỹ 1 được định hướng phát triển theo mô hình thông minh và thân thiện với môi trường. Dự án có tổng diện tích 1.070 ha, là một phần của Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ (IPICO) đầu tư theo mô hình KCN - khu dân cư - sân golf.

Tiếp đến là KCN Becamex VSIP Bình Định (2.308 ha), dự án KCN - đô thị - dịch vụ được đầu tư và phát triển bởi Công ty CP Becamex Bình Định. Hiện Dự án đã hoàn thành hạ tầng hơn 200 ha và đón Tập đoàn Kurz (Đức) đến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao quy mô 12 ha, đồng thời ký kết bản ghi nhớ hợp tác với 12 doanh nghiệp.

Một KCN mới đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công xây dựng là VSIP II Quảng Ngãi. Sau thành công của KCN VSIP Quảng Ngãi, Dự án KCN VSIP II Quảng Ngãi được phê duyệt vào tháng 12/2023 với diện tích 497,7 ha. Cũng như VSIP giai đoạn I, KCN VSIP II Quảng Ngãi hướng đến thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Tại Thừa Thiên Huế, KCN Gilimex rộng 460,85 ha được đầu tư xây dựng với mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và sạch, sử dụng công nghệ tiên tiến. Tỉnh Nghệ An có KCN Hoàng Mai 2 rộng 343,69 ha, kỳ vọng sẽ chào đón các nhà đầu tư quy mô vừa và lớn thuộc các lĩnh vực: sản xuất linh kiện ô tô, điện tử, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, khoáng sản, may mặc… KCN Bắc Thạch Hà là dự án BĐSCN mới nhất tại Hà Tĩnh do Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore đầu tư. Dự án được phân thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có diện tích 190,41 ha, tổng mức đầu tư 1.555,5 tỷ đồng.

Quy hoạch loạt khu công nghiệp với quỹ đất lớn

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực công nghiệp là xu hướng chủ đạo trong quy hoạch các tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đơn cử, Quảng Nam sẽ dành hơn 10.165 ha đất phát triển 20 KCN ở trong và ngoài phạm vi KKT mở Chu Lai. Bên cạnh rà soát, điều chỉnh quy mô các KCN đang triển khai, Quảng Nam tính toán bổ sung các KCN mới tại Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước, gắn với hành lang các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn và các tuyến tỉnh lộ thuận lợi. Trong đó, các KCN phía Đông đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phát triển theo mô hình KCN sinh thái.

Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ phương án chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới. Ngoài ra, TP. Đà Nẵng tiếp tục chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí KCN sinh thái. Đồng thời, Thành phố đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 3 KCN là Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha. Bên cạnh đó, Đà Nẵng nghiên cứu quy hoạch bổ sung KCN Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại KCN Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, quỹ đất của Đà Nẵng không còn nhiều, nhất là cho những dự án lớn. Vì vậy, thu hút đầu tư có chọn lọc, đón đầu dòng vốn FDI đang dịch chuyển sang Việt Nam là định hướng trọng tâm sắp tới của Thành phố. Lĩnh vực mà Đà Nẵng ưu tiên thu hút đầu tư là công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số.

Tại Nam Trung Bộ, Phú Yên cũng đặt tham vọng mở rộng đầu tư BĐSCN khi định hướng đến sau năm 2025 phát triển 11 KCN với tổng diện tích khoảng 3.462 ha. Hiện tại, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, địa phương đang kêu gọi đầu tư 6 dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nằm trong KKT Nam Phú Yên với tổng diện tích 3.031,6 ha, bao gồm: KCN Hòa Tâm, KCN Hòa Thành, KCN Hòa Xuân Tây, KCN Hòa Xuân Đông, KCN Hậu cần sân bay tại phường Phú Thạnh và KCN Công nghệ cao Phú Yên.

Theo ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để hiện thực hoá quy hoạch các KCN, Phú Yên sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm nhằm mở ra dư địa, không gian phát triển hướng đến thu hút đầu tư vào du lịch, các ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển như lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng với công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường.

Tại Bắc Trung Bộ, Nghệ An đã quy hoạch 12 KCN trong KKT Đông Nam thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc, trong đó, Khu công nghiệp Nam Cấm với tổng diện tích 1.135 ha chia thành các khu A, B, C, D, E. Đến năm 2030, Nghệ An dự kiến quy hoạch 23 KCN với tổng diện tích 8.056 ha sau khi được cấp có thẩm quyền điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, sự phát triển của các KCN thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Với định hướng quy hoạch phát triển bền vững, các KCN sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư