Bất cập mới trong quy định về phòng cháy chữa cháy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi những quy định làm khó nhà thầu, nhà đầu tư tại QCVN 06-2021/BXD được sửa đổi, thay thế bằng quy chuẩn mới về an toàn cháy cho nhà và công trình (tại Thông tư số 06-2022/TT-BXD) có hiệu lực vào tháng 1/2023, nhiều doanh nghiệp (DN) lại phản ánh những vướng mắc, bất cập mới phát sinh, gây khó cho DN. Những vướng mắc liên quan đến thực thi quy định về phòng cháy chữa cháy cũng là vấn đề nổi cộm được cộng đồng DN gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023.
Doanh nghiệp mở rộng nhà máy phải thực hiện quy định hiện hành đối với nhà máy đã xây dựng trước đây. Ảnh: Phú An
Doanh nghiệp mở rộng nhà máy phải thực hiện quy định hiện hành đối với nhà máy đã xây dựng trước đây. Ảnh: Phú An

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư đang đầu tư 2 dự án nhà xưởng trong các khu công nghiệp cho biết, mặc dù đã được cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC), song đến nay, việc thực hiện quy định theo quy chuẩn mới (QCVN 06:2022/BXD) vẫn khiến DN mắc kẹt do có những quy chuẩn chưa phù hợp với vật liệu áp dụng cho khối nhà xưởng.

Cụ thể, theo nhà đầu tư trên, trong QCVN 06:2022/BXD có nội dung: “Tấm lợp, kể cả tấm lợp có cách nhiệt phải đáp ứng RE15 đối với nhà xưởng áp bậc chịu lửa bậc 4”.

“Ở nội dung này, tôn lợp mái cách nhiệt thông thường mà tất cả các dự án nhà máy công nghiệp có kết cấu tương tự như 2 dự án của chúng tôi khi thí nghiệm chắc chắn không đạt yêu cầu giới hạn chịu lửa tối thiểu RE15”, Nhà đầu tư lo lắng.

Về lý do, Nhà đầu tư lý giải, tôn đáp ứng yêu cầu RE15 là loại tôn đặc chủng, rất dày và thường được các nước phát triển sử dụng làm mái ở các nhà máy chuyên dụng sản xuất máy bay, vũ khí. Việc áp dụng yêu cầu này với tôn làm mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp ở nước ta là không phù hợp, đặc biệt gây tốn kém chi phí…

Từ thực tế đầu tư, nhà đầu tư này nhấn mạnh, đây là điểm bất hợp lý cần được sửa đổi phù hợp với điều kiện trong nước.

Khó khăn liên quan đến thực hiện quy định về PCCC cũng là vướng mắc nổi cộm được cộng đồng DN gửi đến VBF 2023 với mong muốn được các cấp có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ.

Theo phản ánh của DN, ngày 8/9/2020, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã có Công văn số 3288/PC07-P4 hướng dẫn thẩm duyệt thiết kế về PCCC hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, cơ quan PCCC địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán mà theo cách hiểu riêng làm cho quá trình thẩm định kéo dài (có trường hợp tới 9 tháng), phức tạp và thiếu minh bạch.

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Công Thương, cộng đồng DN cho biết, gần đây, khi mở rộng nhà máy đang hoạt động, DN gặp vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục, nhất là sự khác biệt trong thực thi chính sách pháp luật của địa phương, gây tốn kém về thời gian và chi phí. Việc thay đổi quy định về PCCC khiến giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định quản lý hiện hành.

Ví dụ, trước đây, khi sử dụng tấm thạch cao đơn giản hoặc sơn chống cháy cho tường lửa chống cháy nhà máy, DN không gặp trở ngại gì trong việc xin cấp phép PCCC, thì đến nay bắt buộc phải sử dụng tấm thạch cao chịu lửa. Do đó, khi DN xây dựng mở rộng nhà máy, chi phí thi công tăng cao vì DN phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và đang trong quá trình vận hành.

“Có trường hợp áp dụng quy định theo cách diễn giải tùy tiện của cơ quan PCCC địa phương dẫn đến mất hơn 50 ngày mới được cấp phép PCCC”, một DN phản ánh.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) không ít lần lên tiếng về vấn đề này. Theo ông Hiệp, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam có quy chuẩn PCCC cao như những nước phát triển, thậm chí còn thêm thắt khiến tiêu chuẩn trong nước gần như cao nhất thế giới. Ngoài ra, DN phải nhập khẩu một số vật liệu PCCC độc quyền khiến chi phí đầu tư quá cao. Chính những bất cập này khiến “sức khỏe” của DN bị ảnh hưởng bất lợi.

Từ những vướng mắc trong quá trình thực thi quy định pháp luật liên quan đến PCCC nêu trên, cộng đồng DN kiến nghị Cục Cảnh sát PCCC tham mưu với Bộ Công Thương quy định cụ thể việc áp dụng thẩm định PCCC đối với hệ thống năng lượng mặt trời và làm rõ hồ sơ cần lập, thẩm định trước khi áp dụng.

Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng DN, gửi gắm tới VBF 2023, cộng đồng DN mong mỏi, các quy định liên quan đến PCCC cần có sự phù hợp với năng lực của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam.

Chuyên đề