Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN. Ảnh: Tiên Giang |
Một trong những vướng mắc lớn là chính sách pháp luật về đất đai vẫn còn những kẽ hở có thể dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình CPH DNNN.
Kẽ hở pháp lý
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, xác định giá trị đất đai vẫn gặp không ít khó khăn bắt nguồn từ bất cập trong quy định pháp luật về đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 đưa ra quy định DN có thể trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm đối với đất thuê. “Thuê đất trả tiền một lần là giá trị quyền sử dụng đất đã được tích lũy, nhưng nghị định quy định về cổ phần hóa DNNN hiện nay lại vẫn quy định đất thuê không đưa vào tính giá trị DN cổ phần hóa. Điều này đúng với Luật Đất đai 2003, nhưng không đúng với Luật Đất đai 2013. Đây là một khoảng hở gây thất thoát rất lớn đối với tài sản là đất thuê trả tiền thuê đất một lần”, ông Võ nhấn mạnh. Chuyên gia này nói thêm, quy định này là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình định giá đất thực hiện CPH DNNN suốt thời gian qua.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhìn nhận, xử lý vấn đề đất đai trong CPH DNNN có hai khâu then chốt là định giá và đấu giá. Định giá là yếu tố cần, nhưng yếu tố quyết định có bán đắt được hay không lại ở khâu đấu giá. Nếu tất cả các khâu này được thực hiện một cách công khai, minh bạch thì quá trình CPH sẽ thuận lợi hơn, DN sẽ bán được giá cao. Ngược lại, nếu quá trình định giá và CPH được “sắp xếp”, chắc chắn giá bán mong muốn sẽ không đạt được. Kết hợp với việc định giá thấp sẽ dẫn đến tác động kép khiến nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động này là rất lớn.
Xung quanh câu chuyện này, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn, lo ngại đối với vấn đề định giá đất trong CPH DNNN.
Dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN. Thực tế, một số DN có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) băn khoăn, khi CPH, DN sản xuất chọn hình thức thuê đất, trả tiền đất hàng năm thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN là phù hợp. Nhưng sau khi CPH, DN đó từ bỏ ngành sản xuất, kinh doanh chính, xin chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, đất ở lại tiềm ẩn nguy cơ thất thoát. Nguy cơ này có thể xảy ra ở tất cả các doanh nghiệp đã CPH trước đây.
Không để thất thoát tài sản nhà nước
Đặt vấn đề xác định đúng giá trị đất đai trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn nguồn thu, nợ công cao, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là vấn đề rất hệ trọng. Theo đó, giá trị đất đai khi CPH DNNN phải được tính đúng, tính đủ theo đúng giá thị trường. “Đây là điểm quan trọng cần sửa đổi trong Luật Đất đai tới đây nhằm không làm mất giá trị đất đai, khi mà đất đó đang thuộc quyền quyết định của Nhà nước, giá trị tăng thêm phải đi vào ngân sách nhà nước”, ông Võ nói.
Nhìn về chất lượng công tác định giá đất hiện nay, ông Trương Thanh Đức cho rằng, để xác định đúng giá trị đất khi CPH DNNN, cần định giá đất sát giá thị trường thay vì dựa trên sổ sách mà những quy định đó không phù hợp. Chẳng hạn như quá trình đấu giá, định giá đất thường dễ xảy ra tiêu cực, móc nối tư lợi thì phải có cơ quan chức năng kiểm soát để ngăn ngừa vi phạm. Quan trọng hơn, theo ông Đức, những quy định đưa ra phải khả thi, thực tế, cụ thể.
Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, quản lý nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến quá trình thoái vốn, CPH DNNN. Nếu tháo gỡ được “nút thắt” trong việc định giá DNNN, trong đó có định giá đất, thì quá trình thoái vốn, CPH sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.