Ảnh minh họa. Ảnh Internet |
Đa số các ý kiến cho rằng, để không tạo kẽ hở khiến tài sản của Nhà nước bị thất thoát, khâu tổ chức đấu giá phải công khai, minh bạch và được giám sát chặt chẽ.
Xác định giá trị DN thiếu chính xác
Theo Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016, quá trình CPH còn vướng mắc liên quan đến đất đai. Một số DN sử dụng nhiều diện tích đất chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi CPH. Quá trình UBND tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường chậm dẫn đến việc kéo dài thời gian, phải điều chỉnh tiến độ CPH. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, như một số DN của Tập đoàn Dầu khí, Hãng Phim truyện Việt Nam…
Báo cáo cũng chỉ rõ, một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất. Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho biết thêm: “Xác định giá trị DN còn thiếu chính xác, quản lý đất đai khi và sau khi CPH DNNN còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN để CPH”.
Theo Đại biểu Trần Văn Minh, vì nhiều lý do mà việc định giá DN CPH có nơi thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, dẫn đến khi bán đấu giá thì giá cổ phiếu lại cao hơn gấp nhiều lần. Qua kiểm toán ở 17 DN trong giai đoạn 2012 - 2016 cũng đã kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tới hơn 22.300 tỷ đồng.
Nhìn về vấn đề thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động CPH DNNN, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc thất thoát là do quá trình chuyển đất công thành đất tư đã không thông qua đấu giá mà chỉ định giá trực tiếp, hoặc xác định giá đất khi CPH cũng không thực hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Quản lý chặt quỹ đất
Để khắc phục tồn tại này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trong đó, quy định cụ thể phương án sử dụng đất trước khi CPH; việc xác định giá đất khi CPH phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương, công bố công khai, minh bạch... Ông Hà cũng đồng tình với một số ý kiến đại biểu nêu về việc nhiều khu vực đất đai, trong đó có nhiều khu đất “vàng” đang sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt.
Góp ý về vấn đề này, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng: “Để ngăn chặn các DN giữ đất dù không phù hợp với mục đích kinh doanh, đề nghị Chính phủ sớm rà soát, thu hồi lại toàn bộ đất, đất vàng sai phạm, chấn chỉnh cách tính giá thuê đất”.
Một số đại biểu khác đề nghị, cần phải tập trung giám sát hơn việc xây dựng quy trình đấu giá đất để giảm thất thoát. Trong khi đó, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, cần sửa đổi Luật Đất đai và chính sách CPH theo hướng tại các đô thị không cho chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất sản xuất sang đất thương mại, đất ở mà cần thu hồi để đấu giá công khai trên cơ sở tính đúng giá đất. Quy định này cần áp dụng cho tất cả các DN đã CPH trước đây, không phân biệt tỷ lệ vốn nhà nước còn lại, thậm chí cho tất cả các tổ chức và DN.