Cân nhắc hạn mức kinh phí chi thường xuyên bảo đảm không bị lạm dụng chính sách. |
Về bố trí chi thường xuyên để thực hiện các dự án theo nguyên tắc các nhiệm vụ không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, không điều chỉnh, bổ sung được trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công, Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ, không có cơ sở để một nhiệm vụ không được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn thì được sử dụng kinh phí chi thường xuyên. Đồng thời, việc xác định nhiệm vụ thuộc chi đầu tư hay chi thường xuyên phải căn cứ vào tính chất của nhiệm vụ và phù hợp với quy định Luật NSNN.
Do vậy, đề nghị không đề xuất xây dựng nội dung này thành một nguyên tắc trong sử dụng kinh phí chi thường xuyên; đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh thành nguyên tắc "việc bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này theo nguyên tắc các nhiệm vụ cần thực hiện phải là nhiệm vụ cấp bách, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để bảo đảm hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và trong bối cảnh vốn đầu tư công của đơn vị đã được phân bổ hết, kinh phí chi thường xuyên có thể đáp ứng được".
Về nguyên tắc "hạn mức kinh phí chi thường xuyên tối đa không quá 45 tỷ đồng/nhiệm vụ", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xác định hạn mức kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng bảo đảm không bị lạm dụng chính sách, trục lợi trong tổ chức thực hiện và làm mất cân đối tỷ trọng giữa chi thường xuyên và chỉ đầu tư theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc không đề xuất giới hạn mức kinh phí tối đa 45 tỷ đồng/1 nhiệm vụ áp dụng chung cho các ngành, lĩnh vực; đồng thời, đề nghị nghiên cứu xây dựng quy định theo một số hướng. Một là, quy định hạn mức kinh phí chi thường xuyên tối đa của 1 đơn vị sử dụng NSNN được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ có tính chất đầu tư, như: sửa chữa, cải tạo, duy trì, bảo dưỡng các hạng mục công trình đã hoàn thành đầu tư xây dựng; sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công... là 15 tỷ đồng. Lý do: mức 15 tỷ đồng là có cơ sở vì mức này đang được xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng. Theo đó, các dự án có cấu phần xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng được áp dụng quy trình đơn giản, có thể rút ngắn quy trình thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay trong năm ngân sách.
Không xác định hạn mức kinh phí tối đa để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đề nghị quy định mức kinh phí thực hiện mua sắm các tài sản này do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước xác định theo kinh phí được bố trí hằng năm. Lý do là thực tế hiện nay, tài sản, trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước có giá trị lớn nhỏ khác nhau tùy theo tính chất từng ngành, lĩnh vực và quy mô dự án ban đầu. Việc khống chế cứng hạn mức chỉ là 45 tỷ đồng có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị trong một số ngành, lĩnh vực (như: lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ, xây dựng,...).
Đồng thời, xem xét, bổ sung quy định giới hạn tỷ lệ chi thường xuyên tối đa của 1 đơn vị sử dụng ngân sách được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định; phân cấp cho đơn vị sử dụng ngân sách được tự quyết định tổng mức kinh phí để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi giới hạn được quy định.