Báo chí - “trợ lực” cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30/6, Bộ Xây dựng phải nghiên cứu, sửa đổi quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) được quy định tại Quy chuẩn 06:2022 về an toàn cháy cho nhà và công trình, lấy ý kiến các đối tượng tác động để ban hành. Trước đó, những bất cập trong quy định về PCCC đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh, đề xuất tháo gỡ.
Thời gian qua, báo chí đã rất quyết liệt cùng doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Lê Tiên
Thời gian qua, báo chí đã rất quyết liệt cùng doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Lê Tiên

Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp (DN) được báo chí vào cuộc phản ánh, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn.

Không để vướng mắc thể chế cản trở sự phát triển

Đánh giá sự vào cuộc của báo chí nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, báo chí đã rất quyết liệt cùng DN vượt khó với nhiều bài báo hay, có tính tác động, lan tỏa cao.

Theo ông Đức, sự vào cuộc quyết liệt của báo chí trong việc phản ánh những vướng mắc liên quan đến quy định PCCC chưa phù hợp, gây khó khăn cho DN đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và chỉ đạo tháo gỡ. Cụ thể, sau nhiều bài phản ánh về những bất cập trong quy chuẩn kỹ thuật PCCC khiến DN “ách tắc”, có nguy cơ mất cơ hội kinh doanh, ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vấn đề này. Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan: Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà, công trình hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN; đồng thời làm rõ nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN với việc cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng có ý kiến về bất cập đã được báo chí phản ánh, trong đó phân tích rõ ràng những điểm bất cập, chưa phù hợp trong nhiều quy chuẩn về PCCC đang cản trở sự phát triển của DN. Thậm chí, đại biểu Hà Ánh Phượng - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp… cảnh báo, nếu không có sự thay đổi sẽ có hàng nghìn DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có quyết định hỏa tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC cho nhà và công trình trước ngày 30/6/2023.

“Nếu sự vào cuộc của báo chí trong lĩnh vực nào cũng quyết liệt như vậy sẽ có tác động rất tốt tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Đức nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người chắp bút cho các nghị quyết, báo cáo của Chính phủ về môi trường kinh doanh cho rằng, thời gian qua, báo chí tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc là “cầu nối” thông tin giữa người dân và DN với cơ quan quản lý về những vướng mắc, bất cập của chính sách. Những thông tin được báo chí phản ánh rất kịp thời, cung cấp những bằng chứng cụ thể về những khó khăn của DN với việc nêu rõ đó là những khó khăn như thế nào, xảy ra ở đâu và cảnh báo hệ quả…, tạo sức ép nhắc nhở cũng như đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi. Điều này đã góp phần quan trọng giúp người dân, DN hiểu, tin tưởng, yên tâm sản xuất kinh doanh.

Mỗi nhà báo phải là một chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng

Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận tư tưởng. Vì vậy, mỗi nhà báo phải là một chiến sỹ trên mặt trận này. Người làm báo trước hết phải làm đúng tiêu chí báo chí cách mạng. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường; không ngừng nâng cao trình độ văn hoá, đi sâu vào chuyên ngành, nghiệp vụ của mình.

Về ngôn ngữ báo chí, nhất là những bài báo về kinh tế, chính trị, xã hội, nhà báo hãy viết với ngôn ngữ chặt chẽ, dễ hiểu, đúng theo quan điểm của Đảng và Nhà nước. Tít báo phải làm sao vừa ngắn gọn, súc tích, vừa cô đọng, tránh lấp lửng, hạn chế tới mức thấp nhất việc giật tít câu view, để tin/bài xuất hiện sớm nhất mà bỏ qua tính xác thực của thông tin, đánh đổi uy tín của báo chí. “Những bài viết kinh tế - xã hội mang tính đóng góp, xây dựng phải thật cẩn trọng, chuẩn chỉ vấn đề vì như vậy”, ông Đức lưu ý.

Theo ông Đức, một vấn đề nếu được nhà báo tìm hiểu sâu với những thông tin có sự kiểm chứng, lập luận sắc bén thì mới mang lại hiệu quả cao, còn nếu người viết không hiểu rõ, không phân tích gãy góc vấn đề thì dễ gây hậu quả khi làm người đọc hiểu sai bản chất vấn đề.

Ví dụ, Quy chuẩn 06:2022 rất chặt chẽ, đưa ra các quy chuẩn trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam thì quy chuẩn như vậy chưa phù hợp, chưa đáp ứng. Về chủ thể xây dựng và ban hành quy chuẩn là Bộ Xây dựng trên cơ sở tham khảo cơ quan chức năng; đơn vị thực hiện là cơ quan PCCC của Bộ Công an - đơn vị cấp phép về PCCC dựa trên quy định của pháp luật và quy chuẩn đó. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những bài báo chưa phân định rõ được vấn đề này, dẫn tới tình trạng người dân và DN hiểu lực lượng PCCC đang làm khó người dân và DN.

Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều ĐBQH cũng như nhiều ý kiến của cử tri nhấn mạnh tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm đang cản trở hoạt động kinh doanh của người dân và DN. Về nguyên nhân của tình trạng này, chỉ nhìn riêng vào quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, cán bộ sợ sai là vì không thể vượt quá quy định pháp luật, nếu vượt quá thì sai và bị quy trách nhiệm.

“Vì vậy, nếu người viết báo phân định rõ, tách bạch những quy định PCCC chưa sát với thực tiễn để phản ánh và đề xuất hướng tháo gỡ với cơ quan thực thi pháp luật thì người đọc sẽ hiểu trách nhiệm đó thuộc về ai. Bài báo khi ấy mới thực sự có chất lượng, đóng góp cho sự phát triển”, ông Đức gợi ý.

TS. Nguyễn Minh Thảo bày tỏ, thời gian tới, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” thông tin giữa các bên để góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và DN. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, báo chí phải đi sâu phản ánh nhiều hơn những vấn đề mà DN gặp phải, đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Chuyên đề