Tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây. Ảnh: Lê Tiên |
Thu hẹp dần nhu cầu vay ngoại tệ
Thông tư số 18/2017/TT-NHNN ngày 27/12/2017 của NHNN quy định, thời hạn đối với việc cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu là hết ngày 31/12/2018. Do đó, NHNN xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư này. Mục tiêu của văn bản sửa đổi là cụ thể hóa phương án và lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, thực hiện các biện pháp kiểm soát cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng thu hẹp dần các nhu cầu vay vốn.
Điều đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư là sửa đổi quy định “Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay” theo hướng tách thành 3 nội dung chi tiết.
Một là, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Hai là, cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Ba là, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay và được thực hiện không giới hạn về thời gian.
Theo NHNN, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi về lãi suất hơn so với vay VND. “Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định”, Ban soạn thảo Dự thảo cho biết.
Lộ trình gấp và một số điểm chưa rõ
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, điểm tích cực là dự thảo này được công bố trước thời điểm hết hạn (31/12/2018) hơn một tháng, nội dung thực hiện theo lộ trình với cân nhắc nhu cầu của từng đối tượng khách hàng cụ thể, đồng thời, gắn với chủ trương chống tình trạng đô la hóa của Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm băn khoăn về thời điểm thực hiện, cách thức phân loại khách hàng và tỷ lệ đồng USD tối ưu trong tổng khối lượng tiền tệ để phù hợp với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Về thời điểm thực hiện, các mốc thời gian 31/3/2019 và 30/9/2019 theo nội dung sửa đổi nêu trên là khá gấp rút và chưa rõ ràng cho các doanh nghiệp và TCTD đã, đang vay và cho vay ngoại tệ. “Không chỉ đặt ra khoảng thời gian thực thi khá eo hẹp, quy định này cũng cần làm rõ các thời điểm nêu trên là để chấm dứt ký hợp đồng cho vay ngoại tệ mới với các đối tượng khách hàng đó hay là thời điểm để các khoản vay cũ phải tất toán”, ông Lực nói.
Mặt khác, việc tách 3 nhóm đối tượng theo dự thảo nêu trên cũng không dễ thực hiện. “Việc phân loại đúng đối tượng và mục đích vay là tương đối khó khăn và đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía”, vị chuyên gia ngân hàng băn khoăn.
Về chủ trương chống tình trạng đô la hóa, ông Lực đồng tình với việc cần giảm sự phụ thuộc vào biến động của ngoại tệ và khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng VND. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng USD trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức thấp so với tỷ lệ xác định rơi vào “đô la hóa” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF). “Cần tính toán tỷ lệ tối ưu để phù hợp với bối cảnh hội nhập mới của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lực nhấn mạnh.