Đối tác của Geleximco đã thành lập một công ty tại Việt Nam với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, trụ sở đặt tại tòa nhà Geleximco, số 36 Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: NC st |
Các dự án được đề xuất bao gồm: Đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa, Đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Đường sắt cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối tác của Geleximco là ai?
HUI được giới thiệu là một tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh. Tuy nhiên, theo thông tin được công bố, tổ chức này mới được thành lập vào tháng 1 năm nay và có trụ sở tại một căn hộ tại đường Queen Central, Hồng Kông. Thử tìm kiếm với tên đầy đủ của HUI, chúng tôi không thấy bất kỳ thông tin nào về công ty này ngoài những thông tin liên quan đến thương vụ với Geleximco và được đăng tải trên các trang web, báo chí đến từ Việt Nam (!).
Trả lời phỏng vấn VnEconomy, ông Vũ Văn Tiền cho biết, HUI đã thành lập một công ty tại Việt Nam vào ngày 15/8 vừa qua để chuẩn bị cho lộ trình đầu tư sắp tới. Công ty này có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng và hoàn toàn độc lập với Geleximco, chỉ có cùng trụ sở tại 36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội.
Với một tổ chức tài chính quốc tế được đánh giá là uy tín và có tiềm lực tài chính mạnh, việc không có bất kỳ thông tin trên Internet là điều vô cùng khó hiểu. Công ty cũng không có website chính thức, hoặc là ít được biết đến tới mức cỗ máy tìm kiếm Google cũng bó tay.
Tiềm lực tài chính của Geleximco là điều không thể phủ nhận. Công ty này được biết đến với hàng loạt các dự án tên tuổi như Khu đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn 135 ha, Thành phố giao lưu 95 ha, Tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình… Thế nhưng, đầu tư một loạt dự án với tổng số vốn khoảng 50 tỷ USD lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
50 tỷ USD lớn cỡ nào?
Trong một văn bản mới đây được Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ, 108 dự án PPP được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng chỉ có mức đầu tư 375.000 tỷ đồng, tương đương 34% giá trị 4 dự án vừa được đề xuất.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, với quy mô các dự án lên tới 25% GDP của Việt Nam, khả năng hấp thụ là một vấn đề cần xem xét. Với quy mô vốn khổng lồ như vậy, thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài hàng chục năm, với rất nhiều rủi ro. Một nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận sẽ ít khi rót vốn nhiều như vậy vào một nền kinh tế bé nhỏ như Việt Nam. Muốn rút ngắn thời gian thu hồi vốn, đối với các dự án hạ tầng mà HUI và Geleximco dự kiến thực hiện, không cách nào khác phải tăng phí. Ngay lập tức, việc tăng phí ở các dự án trọng điểm như vậy sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.
Không ám chỉ về tính khả thi của đề xuất, con số 50 tỷ USD khiến người ta không khỏi liên tưởng đến thông tin gây sốc cách đây hơn 2 năm. Không còn nằm ở đề xuất, ngày 23/3/2014, ông Nguyễn Quốc Long, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Hồ Tràm cho biết đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dragon Best International có trụ sở tại Hồng Kông để tham gia chương trình PPP vào 3 siêu dự án có tổng giá trị lên tới 100 tỷ USD. Thông tin này khiến giới đầu tư xôn xao vì con số khổng lồ ngoài sức tưởng tượng. Đáng lưu ý, theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, trong danh sách 100 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới không có tên Dragon Best International. Thông tin về Dragon Best International cũng không có trên Internet khi sử dụng công cụ tìm kiếm Google. Chỉ có một công ty có tên gần giống nhưng có trụ sở tại Trung Quốc.
Cho đến nay, có thể khẳng định thông tin về các siêu dự án có vốn 100 tỷ USD là không có thực, mọi chuyện đã rơi vào quên lãng.
Kế hoạch 50 tỷ USD của Geleximco có khả thi hay không hay lại chỉ là thông tin "chém gió", thời gian sẽ trả lời.