5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ cần tập trung thực hiện trong năm 2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương (ảnh: MK)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương (ảnh: MK)

Trước hết, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành Công Thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản…

“Ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; dứt khoát không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công điện 1813/CĐ-TTg ngày 24/12/2021); đặc biệt, quyết tâm đưa các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2… vào vận hành trong năm 2022 theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sớm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đánh giá sự an toàn và hiệu quả kinh tế Dự án Mở rộng Thủy điện Hòa Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021).

Rà soát lại các phương án tính toán, quy định về điều độ hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả chung, tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Đẩy mạnh việc xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế chính sách về thị trường điện cạnh tranh, cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo để vừa đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26.

Với ngành dầu khí, Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, ngành dầu khí quốc gia là một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Kết quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước. Năm 2022, ngành dầu khí cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo các nhà thầu, các doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm; tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu thu ngân sách năm 2022 cao hơn năm 2021 (kế hoạch năm 2022 là 64.600 tỷ đồng).

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ ba, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2022 được dự báo có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường. Theo đó, ngành Công Thương cần đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các bộ, ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối... nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các Luật, các Nghị định, Thông tư, các quy định của ngành) điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự báo lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

“Với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”, Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6 - 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các mục tiêu sau đây:

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6 - 8%.

- Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2021.

- Cân đối về điện:

+ Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến khoảng 275,51 tỷ kWh, tăng 7,88% so với năm 2021.

+ Điện thương phẩm toàn hệ thống năm 2022 dự kiến khoảng 245,8 ÷ 250,4 tỷ kWh, tăng 7,1 - 9,1%.

Chuyên đề