10 năm tới TP HCM cần một triệu căn hộ giá rẻ

Trong một thập kỷ tới, nhu cầu nhà vừa túi tiền, nhà thương mại bình dân, nhà xã hội, nhà cho thuê giá rẻ tại đô thị này có thể lên đến một triệu căn.
Một dự án nhà ở xã hội bàn giao năm 2016 tại TP HCM. Ảnh:Vũ Lê
Một dự án nhà ở xã hội bàn giao năm 2016 tại TP HCM. Ảnh:Vũ Lê

 Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho biết, cơ sở để đánh giá nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị dựa trên dân số. Hiện nay, quy mô dân số toàn thành phố đã lên đến gần 13 triệu người (dù số liệu thống kê chính thức chỉ có 8,3 triệu). Trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số. Riêng sinh viên học tập tại đô thị này đạt hơn 400.000 người. chưa kể hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp đôi kết hôn mới.

Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển thành phố, Sài Gòn có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà, ước tính có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố, thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ.

Ngoài ra, trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu về nhà ở. Chỉ tính riêng khu vực nhà máy của Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân đã có đến 100.000 công nhân lao động, hầu hết các đối tượng nêu trên đều đang phải thuê phòng trọ, nhà trọ.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng các nghiên cứu về nhu cầu nhà giá rẻ tại TP HCM vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển dân số nên vẫn còn cục bộ, chưa toàn diện. Xét về nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ vẫn còn thấp, chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Do vậy, giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp trước hết là phải có nhiều nhà cho thuê giá rẻ, có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn.

Chuyên gia này cảnh báo TP HCM cũng đang thiếu hụt trầm trọng nhà ở xã hội và loại căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng một tháng).

Cụ thể, các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM và các trường đại học khác, và các khu lưu trú công nhân do Ban quản lý Khu công nghệ cao, và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố hiện nay mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13%. Còn lại khoảng 87% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đánh giá, việc một số đại gia bất động sản đánh tiếng gia nhập thị trường nhà thương mại giá rẻ với hàng trăm nghìn sản phẩm căn hộ bình dân giá từ 700 triệu đồng một căn trong vài năm tới là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung cung vẫn không theo kịp cầu và cục diện thị trường này vẫn mất cân đối tại các đô thị lớn. "Tính riêng Sài Gòn, trong giai đoạn 2017-2026, nhà thương mại vừa túi tiền, nhà xã hội, nhà cho thuê giá rẻ vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung vì nhu cầu có thể lên đến ngưỡng một triệu căn", ông Châu nói. 

Chuyên đề