Xung đột Nga - Ukraine: Nhiều rủi ro với thương mại nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế thế giới. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhiều ngành hàng của Việt Nam khó tránh khỏi tác động từ cuộc xung đột.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 550 triệu USD các mặt hàng nông lâm thủy sản. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 550 triệu USD các mặt hàng nông lâm thủy sản. Ảnh: Nhã Chi

Rủi ro thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xung đột Nga - Ukraine khiến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam đối mặt với rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng khi các hãng tàu lớn tuyên bố không vận chuyển hàng hóa đi và đến Nga, tăng chi phí vận chuyển… Thương mại nông nghiệp Việt Nam với Nga và Ukraine bị suy giảm đáng kể.

Bộ NN&PTNT cho hay, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Nga khoảng 500 triệu USD hàng nông lâm thủy sản, riêng năm 2021 con số này là 550 triệu USD. Một số mặt hàng có giá trị XK đáng kể như: thủy sản (164 triệu USD, chiếm 3% tổng giá trị xuất nhập khẩu thủy sản); cà phê (173 triệu USD, chiếm 6%); tiêu, điều (khoảng 60 triệu USD, chiếm khoảng 2%)... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu (NK) từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: lúa mỳ (khoảng 20% tổng NK lúa mỳ); ngô (3%); phân bón (10%)… với tổng kim ngạch NK khoảng 500 triệu USD.

Khi xung đột nổ ra, hoạt động XK sang Nga phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Việc thiếu tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp (DN) NK nguyên liệu đầu vào phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nguồn cung ứng từ các nước khác. Đáng lo là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá lúa mỳ, ngô… đã tăng khoảng 10 - 20%; giá phân bón cũng tăng khoảng 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho biết, Nga và Ukraine đều là đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp vị trí thứ 1, Ukraine xếp vị trí thứ 6. Do đó, nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước này.

Theo số liệu Bộ Công Thương vừa công bố, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 109,1 triệu USD sang thị trường Nga (XK đạt 555,3 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch XK cả nước; NK đạt 446,2 triệu USD, chiếm 0,8% kim ngạch NK cả nước). Đối với thị trường Ukraine, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD (XK đạt 57,5 triệu USD, chiếm 0,11% kim ngạch XK cả nước; NK đạt 8,4 triệu USD). Tuy nhiên, dự báo sắp tới, không chỉ có nông sản, nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu khác của DN Việt Nam sang các thị trường này sẽ gặp khó khăn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Dương Minh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Nam cho biết, do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, hiện giá nguyên liệu sản xuất phân bón đang tăng lên từng ngày, đồng thời nguồn nguyên liệu cũng khan hiếm khiến DN lo lắng.

Ứng phó ra sao?

Trước ảnh hưởng bất lợi của xung đột Nga - Ukraine đối với xuất nhập khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho DN đã có hàng XK sang Nga nhưng giao dịch tài chính bị đình trệ; làm việc với các hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Cà phê - Ca cao, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tìm giải pháp xử lý trước mắt; đồng thời đa dạng hóa thị trường XK…

Đồng thời, làm việc với các DN NK nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước; thu hút DN tăng cường đầu tư để chủ động đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.

Tại cuộc làm việc với các đơn vị để bàn giải pháp thúc đẩy XK trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất các biện pháp điều hành, cung cấp thông tin cho các bộ, ngành có liên quan…

Về phía DN, bà Nguyễn Thị Tiêu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh - nhà NK và phân phối phân bón cho biết, DN đang tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký trước đó, chưa đàm phán hợp đồng mới nên chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine với DN. Tuy nhiên, nếu xung đột tiếp tục leo thang thì nhiều khả năng hàng NK sẽ phải vận chuyển theo cung đường xa hơn, chi phí có thể tăng. “Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong nước còn nhiều, đủ cung cấp cho vụ này và vụ hè thu”, bà Tiêu thông tin.

Chuyên đề