Xuất khẩu trở lại quỹ đạo tăng trưởng

(BĐT) - Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước đạt 259,7 tỷ USD, vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng 9, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là xu hướng tích cực sau 3 tháng giảm sâu gần đây. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động XK những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện, góp sức cho tăng trưởng kinh tế.
Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Đơn hàng quay trở lại

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, tháng 9 vừa qua hoạt động kinh doanh FMC khá khả quan, doanh số tiêu thụ tiếp tục cải thiện so với các tháng đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm trước. Các nhà máy của FMC tất bật cho các đơn hàng mới, chủ yếu là các sản phẩm chế biến sâu như tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên…

Sự hồi phục đơn hàng của FMC trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong tháng 9/2023 là nét vẽ tươi sáng trong bức tranh hồi phục chung của các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến và XK thủy sản nước ta.

Theo thông tin vừa được Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cập nhật, trong tháng 9 năm nay, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là XK mặt hàng cá tra tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. “Trong tháng 9, XK thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4 - 17% so với cùng kỳ năm 2022”, VASEP thông tin.

Tương tự, XK gạo cũng rất tích cực. Thông tin về tình hình XK gạo 9 tháng năm nay vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật cho thấy, XK gạo Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Trong 9 tháng, cả nước XK 6,6 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch 3,66 tỷ USD.

Dưới góc nhìn của một DN tham gia XK gạo, ông Trịnh Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam cho biết, tình hình XK gạo trên thế giới liên tục biến động trong thời gian gần đây. Các diễn biến nổi bật như việc Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tạm dừng XK gạo; hiện tượng El Nino… ảnh hưởng tới sản xuất gạo. “Đây là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh sản xuất, XK gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng”, ông Dương đánh giá.

Đối với sản xuất công nghiệp, xu hướng phục hồi rõ nét hơn, đặc biệt từ tháng 5 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước.

Quý III/2023, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.

Doanh nghiệp cần dịch chuyển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu lớn. Ảnh: Tuấn Anh

Doanh nghiệp cần dịch chuyển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu lớn. Ảnh: Tuấn Anh

Bài toán cải thiện xuất khẩu

Về triển vọng những tháng cuối năm 2023, Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động XK có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn. DN Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho XK. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế phát triển có dấu hiệu phục hồi trở lại… Đây là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy XK Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ rõ, thách thức, khó khăn với XK còn rất lớn. Nhiều DN chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các DN lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, XK vẫn cao và có xu hướng gia tăng…

Vì thế, để đẩy mạnh hoạt động XK, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN…

Một số đại diện hiệp hội DN có hoạt động xuất nhập khẩu bày tỏ mong muốn chính sách tỷ giá ổn định để giảm bớt khó khăn cho DN, bởi trong thời gian gần đây, tỷ giá USD/VND tăng khiến áp lực chi phí của DN sản xuất hàng XK ngày càng lớn.

Để nắm bắt cơ hội XK trong bối cảnh mới, từ góc độ DN, ông Hồ Quốc Lực cho biết, các thị trường lớn ngày càng yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu nhằm hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Để thỏa mãn yêu cầu này, bản thân các DN cần dịch chuyển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường mới có thể được người tiêu dùng chấp nhận.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi toàn diện, từ quy trình sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường của DN, đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ phía Chính phủ trong chuyển đổi xanh. Chỉ có vậy, mới có thể thúc đẩy tăng trưởng XK một cách bền vững.

Chuyên đề