Về thị trường tiêu thụ, sau 5 tháng liên tiếp tăng trưởng dương, tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chứng kiến sụt giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023, với giá trị đạt 48 triệu USD. Đây cũng là tháng thứ 3 kể từ đầu năm nay, thị trường này giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến hết quý 3 năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 418 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong tháng 9/2024, với giá trị đạt hơn 30 triệu USD, tăng 32% so với tháng 9/2023. Tính chung 3 quý năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 256 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường tiêu thụ cá tra nhiều thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Theo Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Việt Nam vẫn là nhà cung cấp các sản phẩm cá tra lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm nay.
Tháng 9/2024, Thái Lan vươn lên là nhà nhập khẩu đơn lẻ nhiều thứ 3 cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Thái Lan trong tháng 9/2024 đạt 5,8 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 46 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá tra sang EU chứng kiến giảm nhẹ 1% trong 9 tháng năm 2024 với giá trị 128 triệu USD. Riêng tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt đạt 14 triệu USD, giảm 2% so với tháng 9/2023. Hà Lan vẫn là thị trường đứng đầu trong khối EU về tiêu thụ cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Hà Lan trong 9 tháng năm 2024 đạt 36 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về sản phẩm xuất khẩu, phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường trong 9 tháng năm nay tăng 5% và đạt 1,2 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu cá tra chế biến tiếp tục tăng trưởng 45%, đạt 32 triệu USD. Xuất khẩu cá tra khô và sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc,...) đạt 273 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.